Thứ Sáu, 29/11/2024
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước
 
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam
 trao số tiền ủng hộ cho đại diện Bộ Y tế. 


Tuy nhiên, từ ngày 23-1-2020, bệnh viêm phổi cấp tính đầu tiên do vi-rút corona chủng mới gây ra (sau này gọi là dịch Covid-19) được xác định ở Việt Nam; ngày 1-4-2020, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, chúng ta bước vào cuộc chiến cam go, đầy khó khăn, thử thách.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã quyết liệt chỉ đạo với tinh thần: Sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người thoát dịch; coi con người là vốn quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi; Bộ Chính trị ban hành kết luận; Ban Bí thư ban hành công văn, công điện; Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 chỉ thị về công tác phòng, chống dịch Covid-19; Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề về công tác phòng, chống dịch; Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”. Các ban, bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ. Toàn lực lượng các ngành y tế, quân đội, công an đã phối hợp chặt chẽ cùng các ngành chức năng đồng loạt ra quân. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, bài bản, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viết “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Với tinh thần đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động vào cuộc, kịp thời quán triệt, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được thực hiện với nhiều hình thức; việc vận động nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch đã được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thống nhất tinh thần: quyết tâm cùng Đảng, Nhà nước bằng mọi biện pháp, tập trung phòng, chống dịch bệnh. Ban Thường trực chủ động điều chỉnh kế hoạch, phân công công tác, tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; tổ chức hội nghị trực tuyến, ban hành văn bản tới Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương, các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, các tổ chức tôn giáo về quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh; quán triệt thực hiện nghiêm tại cơ quan Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Hầu hết Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức lễ phát động hoặc phát động thông qua văn bản và hướng dẫn. Các tổ chức thành viên là các tổ chức tôn giáo đều có văn bản triển khai đến các chức sắc, chức việc, tín đồ về việc phòng, chống dịch bệnh. Nắm bắt tình hình nhân dân và kịp thời phản ánh đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng.

Ở địa phương, phát huy vai trò của ban công tác mặt trận ở khu dân cư, người uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo đã triển khai tuyên truyền đến từng địa bàn khu dân cư, hộ gia đình với nhiều hình thức phong phú. Điển hình như: TP Hà Nội tổ chức Chương trình “Chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra” kết hợp với vận động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. TP Hồ Chí Minh tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc cho người nước ngoài trên địa bàn. TP Đà Nẵng phát 7.000 tờ khai báo y tế và 19.000 tờ rơi, vận động 1.667 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn ký cam kết tạm dừng kinh doanh; thành lập 171 Tổ phòng, chống dịch bệnh tại khu dân cư. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Ninh Thuận gặp gỡ, vận động linh mục, chức sắc, chức việc các nhà thờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Ninh vận động người dân khai báo sức khỏe y tế điện tử trên hệ thống nCovi. Tỉnh Vĩnh Phúc vận động nhân dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên thực hiện tốt các quy định cách ly để phòng, chống dịch. Tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền việc kiên trì thực hiện phương châm “3 trước” “4 tại chỗ”. Tỉnh Bình Phước phối hợp với Ban Dân vận và các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 tới cán bộ, công chức…

Các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đã có nhiều hoạt động nổi bật như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tuyên truyền, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, hướng dẫn Công đoàn trong các doanh nghiệp chủ động bàn giải pháp chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả Covid-19, khen thưởng, động viên và ghi nhận những cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức có thành tích trong phòng, chống dịch. Hội Nông dân Việt Nam triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng năng lực sản xuất, tìm thị trường mới, phát triển chuỗi cung ứng trong thị trường nội địa. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin đến đoàn viên thông qua zalo, facebook; vận động thanh niên tạm hoãn hoặc giảm quy mô đám cưới; lắp đặt các trạm rửa tay dã chiến; tổ chức các hoạt động tình nguyện “Ngày làm việc tốt”; thành lập các Đội phản ứng nhanh; thực hiện “gõ cửa từng nhà” khai báo y tế. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin đến hội viên thông qua zalo, facebook; tổ chức tuyên truyền với 72.944 cuộc, phát hơn 3,1 triệu tờ rơi, gần 1,3 triệu tin, bài. Hội Cựu chiến binh Việt Nam phổ biến, quán triệt công tác phòng, chống dịch cho gần 3 triệu hội viên; phát hành 145.000 bản tin nội bộ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện và hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức các nhóm tình nguyện viên thanh thiếu niên Phật tử làm công tác tuyên truyền và hướng dẫn phòng, chống dịch; lồng ghép nội dung tuyên truyền, khuyến cáo của Bộ Y tế trong các bài giảng, thuyết pháp; dừng tổ chức 1.700 khóa tu, 1.000 buổi thuyết pháp định kỳ, 150 sự kiện. Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam kịp thời chỉ đạo, phát huy các thành viên, hội viên có kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực y khoa tăng cường vận động và hỗ trợ cộng đồng phòng, chống dịch bệnh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước ủng hộ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động…

Để cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, ngày 17-3-2020 Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự cùng hơn 2.600 đại biểu tại các điểm cầu và đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Thủ tướng kêu gọi: Mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị và người dân, tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có vật chất góp vật chất, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ta ở nước ngoài hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của cả dân tộc, điều bao đời nay luôn là giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam và đem lại sức mạnh để cả nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi cuối cùng.

Tại trụ sở của cơ quan Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng như cơ quan Mặt trận ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước những ngày sau đó đã được đón nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đến ủng hộ phòng, chống dịch. Thông điệp của lòng yêu thương đã lan tỏa mạnh mẽ. Chúng tôi rất xúc động khi được tiếp đón, tiếp nhận rất nhiều sự ủng hộ dù ít, dù nhiều từ tấm lòng của các cụ, các bác lớn tuổi đến các cháu thiếu nhi; từ những trường hợp có điều kiện hay đang còn khó khăn; của các tổ chức tôn giáo đến đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế; các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân; từ các thầy cô giáo đến các em học sinh; từ các chiến sĩ công an, quân đội đến huấn luyện viên bóng đá, các cầu thủ, nghệ sĩ và rất nhiều những cô bác, anh chị với nhiều nghĩa cử cao đẹp.

Tính từ khi phát động đến nay (ngày 20-4-2020), số tiền, hiện vật các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng, chống dịch được gần 1.600 tỷ đồng (trong đó thông qua Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam hơn 860 tỷ đồng; tại 63 tỉnh, thành phố, tổng số tiền, hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ được hơn 700 tỷ đồng). Thông qua ủng hộ bằng tin nhắn thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia đầu số 1407 do Ban Thường trực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế phát động từ ngày 19-3-2020 được hơn 148 tỷ đồng. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực đã phân bổ tới Bộ Y tế để mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời chuyển hiện vật tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… để có thêm những đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ các địa điểm cách ly trên cả nước.

Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, tôi trân trọng ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong suốt thời gian qua. Tôi ghi nhận, đánh giá cao và chân thành cảm ơn sự vào cuộc tích cực, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan truyền thông của Trung ương và các địa phương, của Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động vào cuộc kịp thời, có cách làm sáng tạo, liên tục, hiệu quả, mang lại được kết quả rất đáng ghi nhận. Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam biểu dương, cảm ơn các địa phương đã thường xuyên phối hợp, chia sẻ thông tin cùng với Trung ương; kịp thời vào cuộc ngay sau khi Trung ương phát động. Tôi bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng về sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y tế, lực lượng quân đội, công an, đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài trong cuộc chiến với đại dịch này.

Hiện nay, dịch Covid-19 ở Việt Nam chúng ta đang từng bước được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, hệ thống chính trị đang tiếp tục tập trung để chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơi lỏng. Nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ các cấp là tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh, vận động toàn dân thực hiện thật tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đối với việc vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền, hàng của các tầng lớp nhân dân ủng hộ phòng, chống dịch hiệu quả nhất, nhất định không để xảy ra sai sót. Giám sát việc thực hiện các quy định về hội họp, không tụ tập đông người, đeo khẩu trang. Nắm bắt tình hình khó khăn của các tầng lớp nhân dân, tình hình ảnh hưởng do dịch bệnh và xâm nhập mặn, hạn hán gây ra để kịp thời báo cáo, phản ánh, đề xuất với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ Mặt trận cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động, từ đó phát huy trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của chính mình và cộng đồng; phát huy trách nhiệm trong việc vận động, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kết nối các ngành hàng tiêu thụ trong nước nhằm khuyến khích mỗi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cần tích cực tham gia triển khai và giám sát hiệu quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh và hạn hán xâm nhập mặn, để các chính sách hỗ trợ đến người dân kịp thời, đúng đối tượng.

Trong những ngày này, nhân dân cả nước đang kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020); Ngày Quốc tế Lao động (1-5) và hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19-5-1890 - 19-5-2020); chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc hơn về sức mạnh lòng dân, tình nghĩa đồng bào, về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về tính ưu việt, nhân văn của chế độ ta, về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước. Chúng ta tin tưởng rằng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát tốt, các tầng lớp nhân dân sẽ trở về với cuộc sống thường ngày; mọi người, mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng, có nhiều đổi mới, sáng tạo, khắc phục nhanh hậu quả dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội; vững chắc niềm tin vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


TRẦN THANH MẪN

Bí thư T.Ư Đảng

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất