Thứ Năm, 14/11/2024
Ðồng hành cùng người lao động vượt khó

 Đồng chí Nguyễn Ðình Khang, Ủy viên Trung ương Ðảng,
 Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 

Nhân dịp Tháng Công nhân, đồng chí Nguyễn Ðình Khang, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí về những giải pháp chủ động, kịp thời của công đoàn nhằm cùng NLÐ vượt khó trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Phóng viên (PV): Ðược biết, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 mới bùng phát, Công đoàn Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp cùng DN tháo gỡ khó khăn, kịp thời động viên, chia sẻ với NLÐ, góp phần thực hiện an sinh-xã hội. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về những giải pháp này?

Ðồng chí Nguyễn Ðình Khang: Ngay khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, Ðảng đoàn, Ðoàn Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công nhân, lao động (CNLÐ). 100% các LÐLÐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương nghiêm túc thực hiện. Cán bộ công đoàn trực tiếp tới khu nhà trọ công nhân tuyên truyền, vận động hoặc sử dụng các phương thức truyền thông điện tử, đưa thông tin chính thống, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh. Công đoàn cơ sở (CÐCS) tích cực tuyên truyền để CNLÐ yên tâm lao động, sản xuất, cùng DN khắc phục khó khăn.

100% các LÐLÐ tỉnh, thành, công đoàn ngành Trung ương tích cực hưởng ứng, vận động đoàn viên, CNLÐ hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19", đóng góp ngày lương, nhắn tin ủng hộ qua đầu số 1407 và gửi trực tiếp về cơ quan MTTQ địa phương. Ước tính, đã có hàng trăm tỷ đồng và hàng chục triệu chiếc khẩu trang y tế, khẩu trang vải, nước rửa tay, nước súc họng sát khuẩn được các cấp công đoàn phát miễn phí tới NLÐ, nhân dân.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn trực tiếp đi nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác phòng chống dịch và động viên NLÐ tại bốn tỉnh, thành phố. Tổng LÐLÐ Việt Nam ủng hộ hai tỷ đồng vào Quỹ phòng chống Covid-19 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; thăm hỏi, trao hỗ trợ hai tỷ đồng tới bảy đơn vị tuyến đầu chống dịch.

Ðồng hành với DN để vượt qua dịch bệnh, góp phần giữ việc làm cho NLÐ, Tổng LÐLÐ Việt Nam sớm có chủ trương về việc lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến ngày 30-6. Nếu sau thời điểm nêu trên, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và DN tiếp tục khó khăn, sẽ được lùi đến 31-12.

PV: Sự quan tâm chăm lo kịp thời của các cấp công đoàn thời gian qua đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của CNLÐ, tạo được hiệu ứng lớn trong xã hội. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về những kết quả đáng khích lệ này?

Ðồng chí Nguyễn Ðình Khang: Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các cấp công đoàn cả nước đã chủ động, tích cực, nỗ lực phối hợp cơ quan liên quan, người sử dụng lao động phòng, chống dịch và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều LÐLÐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương hỗ trợ NLÐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà trọ, phòng trọ, điện, nước sinh hoạt cho CNLÐ. Kết quả, hơn 1.000 chủ nhà trọ cam kết miễn, giảm từ 10% - 50% giá thuê, từ hai đến ba tháng, tổng tiền miễn, giảm khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Hầu hết các CÐCS chủ động phối hợp người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, có phương án cho CNLÐ nghỉ luân phiên, nghỉ phép năm; bố trí các ca làm việc hợp lý. Ðối với NLÐ phải cách ly, CÐCS tham gia để DN thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm, bảo đảm thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định. Một số LÐLÐ tỉnh, thành phố hỗ trợ tiền mặt cho giáo viên khu vực ngoài công lập gặp khó khăn; phối hợp đối tác chương trình "Phúc lợi đoàn viên" hỗ trợ CNLÐ mua nhu yếu phẩm giá ưu đãi; lắp đặt các "cây ATM gạo"…

PV: Ðời sống, việc làm của CNLÐ đang bị ảnh hưởng sâu, rộng. Trong thời gian tới, xin đồng chí cho biết Tổng LÐLÐ Việt Nam sẽ có những biện pháp ưu tiên nào để ổn địnhđời sống cho công nhân, viên chức, NLÐ?

Ðồng chí Nguyễn Ðình Khang: Tính đến nay, theo số liệu thống kê, cả nước có gần năm triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống... Như chúng ta đã biết, gói hỗ trợ hơn 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, trong đó có đối tượng là NLÐ bị ảnh hưởng việc làm, giảm sâu thu nhập, đang được CNLÐ đón chờ. Tuy nhiên, đã xuất hiện biểu hiện một số DN cho NLÐ nghỉ việc để hưởng gói hỗ trợ từ Chính phủ thay vì tìm mọi cách khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất. Ðiều này có thể làm cho tình trạng lao động bị thôi việc, mất việc tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp việc làm, thu nhập, đời sống của NLÐ và gia đình họ.

Tổng Liên đoàn đã báo cáo và kiến nghị Ủy Ban TVQH và Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung, giải pháp bổ sung hỗ trợ NLÐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, đề xuất Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng hưởng gói hỗ trợ. Ðề nghị các bộ, ngành chức năng và các cơ quản lý nhà nước ở địa phương tăng cường quản lý, hướng dẫn các DN tìm mọi cách khắc phục khó khăn, sắp xếp việc làm thích hợp cho NLÐ. Kiến nghị Chính phủ quy định những DN được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ sau khi ổn định và sản xuất trở lại, thì ưu tiên nhận NLÐ cũ vào làm việc và bảo lưu thời gian làm việc, tay nghề và mức lương trước đó của NLÐ.

Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thống nhất chủ trương triển khai gói hỗ trợ của tổ chức công đoàn dành cho đoàn viên, NLÐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Kêu gọi cán bộ công đoàn dành một phần tiền lương, tạo nguồn kinh phí chia sẻ với đoàn viên, NLÐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cắt giảm các hoạt động chưa thật sự cấp thiết nhằm tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, NLÐ. Các cấp công đoàn tập trung tăng cường tuyên truyền pháp luật lao động tới đoàn viên, NLÐ, nhất là các quy định về tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động để NLÐ hiểu rõ, đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của bản thân, của người sử dụng lao động. Từ đó, NLÐ có căn cứ lựa chọn phương án phù hợp, bảo đảm quyền lợi của bản thân, hạn chế các trường hợp tự viết đơn thôi việc. Quan tâm thực hiện tuyên truyền về tác hại của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cầm cố, bán sổ bảo hiểm xã hội. Giới thiệu hoạt động của các quỹ tài chính vi mô của tổ chức công đoàn để NLÐ vay ưu đãi, giải quyết phần nào khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen" trong CNLÐ.

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, tôi hy vọng đoàn viên, NLÐ sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất