Chiều ngày 28/5, tại Hà Nội diễn ra hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam khóa 10. Hội nghị nhằm đánh giá hoạt động của Hội trong năm 2019, những tháng đầu năm 2020 và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
|
Quang cảnh hội nghị. |
Nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 11 cho thấy, năm 2019 là năm hoạt động của Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu với nhiều sự kiện nổi bật, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.
Do đại dịch Covid-19, một số hoạt động của Hội và các Hội Nhà báo địa phương dù được chuẩn bị tốt nhưng cũng phải hủy bỏ nhưng các nhiệm vụ trọng tâm vẫn được quan tâm chú trọng triển khai. Báo chí đã trở thành một lực lượng tiên phong trong tuyến đầu chống dịch, ở đâu có hoạt động chống dịch là có mặt báo chí, kịp thời cung cấp những thông tin chính xác, cần thiết, đúng định hướng, giữ vững niềm tin xã hội.
Góp ý vào dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 11, một số ý kiến của đại biểu nêu ra những vấn đề cấp bách hiện nay đối với báo chí, công tác quản lý các hội viên, xây dựng chương trình bồi dưỡng đạo đức, phẩm chất của người làm báo…
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng, vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua là một số cơ quan báo chí quản lý phóng viên, văn phòng địa phương để đi khai thác quảng cáo, gây bức xúc cho xã hội, tạo áp lực cho địa phương, doanh nghiệp và làm cho bộ mặt của giới báo chí méo mó.
Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn về việc mở văn phòng đại diện, cơ quan thường trú đối với cơ quan báo chí.
"Tôi đề nghị Bộ Thông tin Tryền thông với tư cách là quản lý Nhà nước về báo chí chủ trì, cùng phối hợp với Hội, với Ban Tuyên giáo Trung ương, rà soát, xây dựng những quy định là những cơ quan nào thì có cơ quan thường trú, hay văn phòng đại diện ở địa phương, những cơ quan nào thì không cần" - đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nói.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội 11, thảo luận về Đề án Nhân sự Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá 11, nhiệm kỳ 2020-2025; Dự thảo Chương trình hành động của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam kết quả thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.
Kết luận hội nghị, nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, để hoàn thành các nhiệm vụ công tác của Trung ương Hội và các cấp Hội nhà báo từ nay đến cuối năm, Ban chấp hành nâng cao hơn trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn, Ban Thường vụ trong chỉ đạo các cấp Hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 10 và các nghị quyết, kế hoạch công tác năm 2020 và tiến tới tổ chức thành công Đại hội 11 của Hội Nhà báo Việt Nam./.
(vov.vn)