Sáng ngày 3/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC tổ chức.
Với mục đích giảm thiểu tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thông qua việc đào tạo, trang bị kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng cho mạng lưới nữ khuyết tật quốc gia nhằm hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật...mạng lưới ra đời sẽ góp phần kết nối, chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị xâm hại tại Việt Nam.
Theo đó, đối tượng phụ nữ khuyết tật là thành viên của mạng lưới phụ nữ khuyết tật đến từ các tỉnh, thành phố. Hoạt động chính của mạng lưới gồm: các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới nữ khuyết tật nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ mạng lưới nữ khuyết tật cấp quốc gia về phòng chống xâm hại tình dục với phụ nữ trẻ em gái khuyết tật. Bên cạnh đó, kết nối, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị xâm hại tại Việt Nam như: xây dựng tổng đài tư vấn/ đường dây nóng để phản ánh, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả; xây dựng trang mạng xã hội để cộng đồng phụ nữ khuyết tật giao lưu, chia sẻ những thông tin bổ ích, ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng rãi. Ngoài ra, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng như xây dựng tài liệu tuyên truyền trên mạng xã hội dành cho phụ nữ khuyết tật; tổ chức các cuộc truyền thông tại cộng đồng, trong đó đội ngũ mạng lưới nữ khuyết tật trực tiếp tuyên truyền, vận động tại cộng đồng thông qua các câu lạc bộ người khuyết tật...
Phát biểu tại buổi hội thảo ra mắt mạng lưới, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: Theo thống kê hiện nay, nước ta có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật. Người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật gặp rất nhiều định kiến, khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới. Đây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử “ kép” vì lý do khuyết tật và giới. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản. Việc ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật chính là tạo sự kết nối giữa các chị em phụ nữ với các thành viên nhằm giúp các trẻ em gái khuyết tật mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, tạo điều kiện để họ tiếp cận các nguồn lực, cơ hội và nâng cao năng lực, vị thế, giúp chị em tự tin hơn, giảm bớt khó khăn, từng bước hòa nhập với xã hội...
Cũng tại Hội thảo, góp ý vào dự thảo đề xuất sửa đổi chính sách, lồng ghép giới vào các văn bản pháp luật nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, các chuyên gia luật và đại diện mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại 3 miền Bắc, Trung, Nam đều bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí cao với khung chính sách được đề xuất: cần cải thiện khung chính sách và công tác thực thi pháp luật để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; tăng cường cơ chế bảo đảm thi hành chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; tăng cường các dịch vụ công hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực tình dục... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề lồng ghép trẻ em gái khuyết tật cần được bổ sung đưa vào khung chính sách; đồng thời tăng cường mở rộng tổ chức, mạng lưới hội người khuyết tật ở các tỉnh, thành để bảo vệ thành viên của mình khi xảy ra sự cố.
(daibieunhandan.vn)