Thứ Năm, 28/11/2024
Trao học bổng “Học không bao giờ cùng” đến 144 cá nhân tiêu biểu phía Bắc

 


Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Về phía Trung ương Hội Khuyến học có GS. TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên, lễ trao học bổng ý nghĩa này được tổ chức.

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân long trọng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm thực hiện di chúc của Người.

Nhân dịp này Hội Khuyến học Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức trao học bổng mới với tên gọi “Học không bao giờ cùng”, một học bổng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với phong trào học tập suốt đời theo lời dạy của Bác và theo gương học tập của Bác.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình của Hội Khuyến học Việt Nam. Một hoạt động có tính nhân văn sâu sắc đối với phong trào học tập suốt đời theo lời dạy của Bác, thiết thực đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người. 

Phó Chủ tịch nước biểu dương các hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đã đóng góp xây dựng và phản biện các chủ trương, chính sách giáo dục, xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng và hỗ trợ nhiều học bổng khuyến học rất ý nghĩa.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: 144 cá nhân từ 20 tỉnh, thành phố phía Bắc được tôn vinh, nhận học bổng trong chương trình này đều bằng nỗ lực của bản thân, bằng tinh thần học tập của mình đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ về "Học không bao giờ cùng".

Đặc biệt, những điển hình này có đầy đủ các tầng lớp, từ các cháu mới bước vào lớp 1 đến các cụ già cao tuổi, từ tri thức đến nông dân, từ người lao động thủ công nghèo đến nhà sản xuất, doanh nhân… Họ là những con người bình dị, tuy khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là tích cực học tập "học trong hoạt động thực tế, học trong sách vở, học trong lao động, học bạn bè và đồng chí, học nhân dân" để vươn lên làm chủ cuộc sống và làm những việc có ích cho xã hội, làm chúng ta thêm trân quý, cảm phục. 

Trong đó, có các bé khuyết tật, khiếm thị nhưng vẫn là học sinh chăm ngoan, học giỏi, vượt lên số phận; những người công nhân ngày đêm lao động vất vả nhưng vẫn nêu gương học hành chăm chỉ; đó là các cô, chú, anh, chị người dân tộc thiểu số nhưng cũng nhận thức rõ tác dụng của việc học tập, áp dụng tri thức khoa học để trở thành "người sản xuất giỏi" và nuôi dạy con cái ăn học thành tài…

Phó Chủ tịch nước hy vọng, các đại biểu về nhận học bổng lần này tiếp tục làm cho phong trào "Học không bao giờ cùng" lan tỏa sâu rộng hơn nữa. Qua đó, vun đắp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, góp phần quan trọng để các thế hệ người Việt Nam nâng cao tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh, nuôi dưỡng khát vọng, đóng góp sáng kiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại chương trình, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, những năm qua hệ thống Hội Khuyến học Việt Nam đã luôn cố gắng triển khai nhiều hoạt động hữu hiệu để thực hiện lời dạy của Người về sự học và triển khai các chỉ đạo trong các văn bản của Đảng, Nhà nước nêu trên nhằm góp phần khơi dậy phong trào thi đua học tập trong các nhà trường, gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Các phong trào: “Vượt sông hồ tìm chữ”, “Tiếng kẻng học tập”, “Luống rau khuyến học”, “Nuôi heo đất”, trao học bổng “Tự học thành tài” “Nhân tài đất Việt” đã được Trung ương Hội và Hội Khuyến học các địa phương sáng tạo đề ra và triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần tích cực vào việc phát huy tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam và đóng góp tích cực vào chấn hưng giáo dục nước nhà.

“Sự học” mà Hội Khuyến học Việt Nam đang thực hiện lời dạy của Bác nhằm hướng tới tất cả các đối tượng: Từ trẻ em cho đến người lớn, người cao tuổi và người già ở tất cả các lĩnh vực khắp mọi miền đất nước.Vì Bác đã dạy “Ai cũng phải học, học không bao giờ cùng”.

Thực tế qua các lần trao học bổng cho người lớn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã chứng minh: chỉ có học, học ở mọi nơi, mọi lúc, học lẫn nhau… thì trí tuệ mới được bồi đắp, mới làm cho bản thân, gia đình, đất nước phát triển bền vững.

Các em học sinh càng cần phải học để khi thành người lớn đã có đầy ắp tri thức vào đời. Điều này càng cấp thiết hơn khi chúng ta đang tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập sau rộng vào trường quốc tế".

Theo báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam, trong số 144 người được xét chọn, có 98 học sinh và 46 người lớn.

Về thành phần dân tộc, có 133 người dân tộc Kinh và 11 người dân tộc thiểu số. Về độ tuổi, trẻ nhất là học sinh lớp 1, cao niên nhất có một cụ 81 tuổi. 

Trong 46 người lớn, có 29 nông dân, 3 công nhân, 7 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, còn lại là cán bộ, công chức, viên chức cấp xã. Trong số 98 học sinh có 10 học sinh khuyết tật, từ lớp 1 đến lớp 12. 

Mỗi người được nhận học bổng đều vượt qua khó khăn về đời sống, gia đình, bệnh tật, nỗ lực vươn lên trong học tập và đạt kết quả tốt.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định, các đại biểu về nhận học bổng lần này tiếp tục làm cho phong trào "Học không bao giờ cùng" lan tỏa sâu rộng hơn nữa. Qua đó, vun đắp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, góp phần quan trọng để các thế hệ người Việt Nam nâng cao tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh, nuôi dưỡng khát vọng, đóng góp sáng kiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(dantri.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất