Thứ Ba, 7/1/2025
Tập trung chăm lo đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19
 
Toàn cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 13 (khoá XII)

 

Theo dự thảo báo cáo “Công đoàn các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được trình bày tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ mười ba (khoá XII) sáng 22.6, cho thấy, cả nước có khoảng 5 triệu người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Trong đó bao gồm: mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Những lao động này tập trung ở các ngành: Hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, da giày, bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo…

Theo khảo sát tại nhiều doanh nghiệp, những tháng tới, do không ít doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng, nên số lượt người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có thể tăng thêm. Hiện nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch giảm số lượng người lao động trong một vài tháng tới, có doanh nghiệp dự kiến giảm 50% - 60%,…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham gia rất sớm trong công tác phòng chống COVID-19. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có 16 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác này. Đoàn Chủ tịch đã ban hành công văn về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến ngày 31.12.2020; ban hành quyết định về việc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ nguồn tài chính công đoàn và các nguồn huy động xã hội khác với tổng giá trị gần 500 tỉ đồng,...

Cùng với đó, các cấp công đoàn đã vận động, phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều hình thức đồng hành cùng người lao động như: Lắp đặt cây ATM gạo, bán hàng giảm giá, phiên chợ 0 đồng; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho đoàn viên, người lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng,...

Từ những hoạt động thiết thực đó, tổ chức công đoàn và công nhân, viên chức, người lao động cả nước đã cùng hệ thống chính trị bước đầu kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục bước vào giai đoạn để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Đóng góp ý kiến vào nội dung này, đồng chí Trần Thị Diệu Thuý – Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh - cho rằng cần tăng cường công tác dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, việc làm của các doanh nghiệp trong thời gian tới trước ảnh hưởng của dịch COVID-19; từ đó đề ra các phương án bảo vệ đoàn viên, người lao động cũng như đề ra các chính sách chăm lo cho họ. 

Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có việc làm, đời sống của người lao động và hoạt động công đoàn. Trong 6 tháng đầu năm, cùng với hệ thống chính trị cả nước, các cấp công đoàn đã tập trung cho công tác tham gia phòng, chống dịch và tổ chức các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên, tổ chức công đoàn quyết định cho phép sử dụng nguồn tài chính tích lũy tại công đoàn ngành, địa phương và cấp trên trực tiếp cơ sở để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, trong lúc này, cần sự đoàn kết, chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động để cùng nhau vượt qua khó khăn do COVID-19.

(laodong.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất