Thứ Năm, 28/11/2024
Cần Thơ: Hiệu quả công tác dân vận trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

1. Hiệu quả từ công tác tuyên truyền các cấp Hội

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các “cánh đồng lớn”... tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi rộng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, giữa các thửa ruộng, giữa các cánh đồng, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm bước đầu triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.Nhiều hộ nông dân đã thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn thành phố đã có 134 hợp tác xã nông nghiệp với 2.747 thành viênvà 1.319 tổ hợp tác sản xuất hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực với44.466 thành viên. Từ năm 2011 đến nay, đã củng cố và thành lập mới 101 hợp tác xã và 600 Tổ hợp tác. Quá trình củng cố và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng, giúp hội viên nông dân thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ tặng Bằng khen, Giấy khen. Các giải pháp kỹ thuật trên đã góp phần thay thế phần lớn lượng nhân công, giảm chi phí trong sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ và xã hội.


 Lãnh đạo Hội Nông Dân thành phố Cần Thơ đến thăm mô hình na Thái
tại xã Trường Thắng, huyện Thới Lai

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, cùng hợp tác sản xuất, từng bước phá thế độc canh cây lúa, chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu trong năm, có những nơi chuyển sang mô hình vườn cây ăn trái đặc sản với chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn và giải quyết được hàng ngàn ngày công lao động mỗi năm. Đặc biệt những nông dân mạnh dạn thuê đất đầu tư sản xuất, nhạy bén liên kết mở rộng sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn,  hiệu quả cao, bền vững nhưtổ hợp tác trồng chuối cấy mô ở huyện Cờ Đỏ với diện tích 97 ha; mô hình nhãn Thái Thanh ở huyện Cờ Đỏ với diện tích 87 ha; mô hình trồng nhãn IDO của tổ hợp tác nhãn Đồng Tâm - Định Môn, huyện Thới Lai với diện tích 117 ha…

Có thể khẳng định phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Điều đặc biệt, thông qua phong trào SXKDG, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đóng góp trên97,75 tỷ đồng; có 7.093 hộ hiến 277.803 m2 đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn; trên 118.537 ngày công lao động; vận động sửa chữa, xây mới 815 cây cầu; làm 645 km đường giao thông nông thôn; nạo vét 737 km kênh thủy lợi nội đồng. Đến nay, có 36/36 xã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới và 4/4 huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Điều rất đáng ghi nhận, 05 năm qua giúp được 10.649 hộ có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống với các giải pháp hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cây con giống, tiếp cận các nguồn vốn phục vụ sản xuất. Giúp 720 hộ thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Vận động và xây dựng 145 căn nhà “Mái ấm nông dân” trị giá trên 7 tỷ đồng, giúp các cán bộ chi, tổ Hội có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở góp phần an sinh xã hội trên địa bàn, giúp cán bộ, hội viên ổn định cuộc sống.

Phong trào thực sự đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Qua phong trào, công tác kiện toàn tổ chức luôn được các cấp Hội thường xuyên được quan tâm thực hiện. Kết quả đánh giá xếp loại hàng năm 100% quận,huyện và cơ sở đều đạt từ khá, mạnh; 90% các chi, tổ Hội khá mạnh. Qua phong trào nông dân thi đua SXKDG đã phát hiện, bồi dưỡng 333 hội viên ưu tú kết nạp vào Đảng viên mới; điều đó đã khẳng định vị thế, uy tín của tổ chức Hội ngày càng được nâng lên rõ rệt.

2. Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có 72.691 hộ đăng ký thực hiện hộ nông dân SXKDG các cấp, cuối năm bình xét đạt gần 64% (cấp Trung ương 331 hộ, cấp thành phố 1.902 hộ, cấp quận, huyện 10.055 hộ, cấp cơ sở 33.803 hộ). Xuất hiện nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn đạt chất lượng, hiệu quả rất cao, nhiều hộ thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên. Nhiều tấm gương nông dân không cam chịu cảnh nghèo quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ sản xuấtkinh doanh giỏicó thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng điển hình như: Hộ ông Lý Văn Bon, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy thực hiện mô hình nuôi cá, chế biến và dịch vụ du lịch, thu nhập mỗi năm trên 10 tỷ đồng/năm; hộ ông Tiêu Ngọc Lợi, ấp Tân Lập, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện mô hình sản xuất lúa, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thu nhập hàng năm gần 4 tỷ đồng/năm; ông Hồ Bá Phiêu, khu vực Lân Thạnh, phường Trung Kiện, quận Thốt Nốt sản xuất lúa giống có thu nhập hàng năm trên 1,2 tỷ đồng; ông Đoàn Văn Thi, ấp Trung Hóa, xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai với mô hình sản xuất lúa, nuôi thủy sản, kinh doanh vật tư nông  nghiệp hàng năm có thu nhập trên 1,5 tỷ đồng thực hiện tốt công tác từ thiện, xã hội đóng góp tích cực xâydựng kết cấu hạ tầng nông thôn, năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; mô hình 2 lúa, 1 màu xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai; mô hình trồng lúa và nuôi cá của ông Huỳnh Thanh Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh; Đặc biệt, hộ ông Hà Tấn Tâm, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An có thu nhập hàng năm trên 10 tỷ đồng, là nông dân tiêu biểu xuất sắc năm 2016 được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng II. Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình SXKDG tiêu biểu có thu nhập cao trên địa bàn thành phố.

Năm năm qua, phong trào đã đạt hiệu quả rõ rệt, được lãnh đạo các cấp ghi nhận với 76 tập thể và 531 cá nhân được các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, ông Hà Tấn Tâm hội viên nông dân phường Thới An, quận Ô Môn được tặng Huân chương Lao động hạng 2; ông Lý Văn Bon hội viên nông dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, ông Huỳnh Thanh Bình hội viên nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh được tặng Huân chương lao động hạng 3; cùng nhiều hội viên nông dân được Thủ tướng tặng Bằng khen và vinh danh Nông dân xuất sắc.


Lãnh đạo huyện Thới Lai trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
 trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2016 - 2020

3. Một số nhiệm vụ giải pháp phát huy hiệu quả phong trào

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế cần quan tâm: công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nông dân một số nơi chưa đi vào chiều sâu, chưa làm chuyển biến nhận thức của hội viên, nông dân trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Vẫn còn một bộ phận nông dân chưa tích cực thi đua sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gia đình mình để phát triển sản xuất, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Kết quả phong trào chưa đồng đều giữa các địa phương...

Để công tác dân vận trong phong trào phát huy hiệu quả cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ giải pháp sau:

Làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Nêu cao ý thức sản xuất thực phẩm sạch, nâng cao giá trị sản phẩm. Công tác dân vận góp phần tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ  cao bền vững.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với việc thực hiện nghiêm các tiêu chí “Ba không” trong sản xuất: không sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; không sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc khai thác thủy sản; không gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết hợp tác, dạy nghề, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào nông nghiệp, nông dân nông thôn ở các địa bàn. Tăng cường hoạt động tương trợ, cùng nhau làm giàu, giúp nông dân giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào trên các lĩnh vực.

Các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền trong tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.Tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp trên từng đối tượng vật nuôi, cây trồng qui mô, địa bàn dân cư. Nêu gương và tổ chức tốt việc học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giúp đỡ có hiệu quả đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Tăng cường tổ chức trao đổi thăm quan học tập các mô hình để người dân vận hành.

Làm tốt công tác sơ, tổng kết thực tiễn làm cơ sở chỉ đạo phong trào và kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là về chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… tạo điều kiện cho phong trào phát triển./.

ThS. Nguyễn Quốc Đoàn (Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương)

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất