Thứ Ba, 7/1/2025
Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước
 

Toàn cảnh Chương trình đối thoại 

Vững tin tiếp bước

Với chủ đề "Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước", Chương trình được kết nối tới 70 điểm cầu ở các địa phương, đơn vị trên cả nước và phát trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng như hệ thống cơ quan báo chí, trang mạng xã hội chính thức của Đoàn, Hội.

Trao đổi về chủ đề nêu trên, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: qua mỗi giai đoạn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên luôn mang trong mình một niềm tin. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đó là niềm tin đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông gấm vóc thu về một mối. Niềm tin ấy đã để lại những tên tuổi anh hùng như Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm...

"Giai đoạn kiến thiết đất nước, từ niềm tin sắt son vào công cuộc đổi mới, trong thanh niên đã xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu, anh hùng lao động trẻ. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, hàng chục nghìn thanh niên với niềm tin ấy đã trực tiếp xây dựng nên những công trình thế kỷ, tiêu biểu như Thủy điện Hòa Bình", anh Nguyễn Anh Tuấn nói.

Với bối cảnh hiện nay, khi đất nước hội nhập sâu rộng trong kỷ nguyên mới, thanh niên Việt Nam càng được củng cố niềm tin, trở thành động lực để tiến quân làm chủ khoa học - công nghệ. Hàng loạt Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu trên các lĩnh vực chính là minh chứng cho sự cống hiến, đóng góp của đoàn viên, thanh niên vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trả lời câu hỏi của đoàn viên Hoàng Thanh Tùng (thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) về giải pháp đối với việc một số thanh niên có xu hướng xa rời những giá trị, lý tưởng tốt đẹp, sa vào lối sống hưởng thụ, ích kỷ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Thanh niên Việt Nam luôn có niềm tin vào Đảng, Nhà nước, luôn có khát vọng cống hiến cho Tổ quốc”.

"Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng có một bộ phận thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, thậm chí bị lôi kéo, đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng. Tôi xin hứa với các bạn, sẽ có một chương trình riêng để tăng cường lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên, nhi đồng", Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết.

Người trẻ cần tiên phong khai phá

Chương trình đã nhận được nhiều băn khoăn, trăn trở của thanh niên, sinh viên về thu hút, đãi ngộ, môi trường làm việc đối với nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài về nước làm việc.

Giải đáp những lo lắng tương tự, do Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Thiện Quang nêu tại Chương trình, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, ranh giới giữa các quốc gia đã không còn lớn như trước đây nữa. Lựa chọn về nước cống hiến vì vậy sẽ chỉ mang tính chất cụ thể, trực tiếp hơn.

"Đất nước ta hiện có những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển. Có rất nhiều thanh niên nước ngoài đến Việt Nam để làm việc trong các tập đoàn kinh tế, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp, lập nghiệp. Đó là minh chứng về một môi trường tốt, chính sách đãi ngộ tốt. Đối với các rào cản, chính người trẻ phải tiên phong khai phá, thay đổi, đừng chờ mọi thứ thay đổi thuận lợi mới nghĩ tới cống hiến, đóng góp", thủ lĩnh thanh niên Việt Nam nhấn mạnh.

Có mặt tại Chương trình, TS. Lê Duy Anh, một tài năng trẻ đang công tác trong nước sau thời gian tu dưỡng, học tập ở nước ngoài, bày tỏ đồng tình: Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với môi trường hòa bình, ổn định, an toàn, cho dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

"Tôi đã học tập tại Anh trong hơn mười năm và nay đang công tác tại Trường Đại học Quốc gia thành phố Hà Nội. Việc chia sẻ kiến thức với những người chủ tương lai của đất nước là niềm vui mà cá nhân tôi nghĩ rằng không tiền bạc nào có thể đổi được. Em gái tôi hiện đang học Tiến sĩ tại Anh và cũng luôn mong ước được trở về nước cống hiến, làm việc", TS. Lê Duy Anh nói.

Cảnh giác trên mạng xã hội

Tại Chương trình, Phó Bí thư Thường trực Ban Cán sự Đoàn thanh niên tại LB Nga Nguyễn Xuân Hoàn lo ngại: trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, các thế lực thù địch đã tăng cường chống phá với thủ đoạn tinh vi, luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tư tưởng, niềm tin trong thanh niên. Các cấp bộ Đoàn phải làm gì để đấu tranh phản bác với những điều đó?

Trả lời câu hỏi nêu trên, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, nhận định: "Trước tiên, chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin chính thống. Các phần tử chống phá sử dụng phương tiện nào để xuyên tạc, ta phải sử dụng chính phương tiện đó để cung cấp thông tin chính thống".

"Chỉ có sống chung với lũ, chúng ta mới có thể đấu tranh. Phương thức đấu tranh cũng phải phù hợp thì mới tiếp cận được nhiều đối tượng thanh niên khác nhau. Lực lượng đấu tranh phải được xây dựng thành một bộ máy, đội ngũ nhằm tạo sức mạnh tổng hợp", anh Bùi Quang Huy nói.

Bổ sung vào ý kiến trên, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: "Đấu tranh với các thế lực thù địch, xuyên tạc trên internet không phải việc của riêng ai, mà là vấn đề chung của tất cả mọi người. Ví dụ như khi fanpage mạng xã hội của Trung ương Đoàn đăng tải một thông tin, lập tức toàn bộ fanpage của Đoàn các cơ sở cũng đăng tải nội dung đó thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp". 

Tại Chương trình, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và các đại biểu cũng dành thời gian trao đổi, đối thoại với đoàn viên, thanh niên về nhiều nội dung khác như: công tác triển khai Luật Thanh niên; tham gia phòng, chống dịch Covid-19; kỳ vọng của tuổi trẻ đối với Đảng, khát vọng cống hiến cho đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất