Thứ Sáu, 13/9/2024
Hiệp hội Nữ doanh nhân cần biến thách thức thành cơ hội, biến hành động thành kết quả
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Đại hội Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam
(VAWE) lần thứ 2


Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5% doanh nghiệp cả nước

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng và đánh giá cao Đại hội lần thứ 2 có ý nghĩa quan trọng của các nữ doanh nhân Việt Nam đã luôn phát huy truyền thống anh hùng của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, có những đóng góp làm rạng rỡ đất nước ta, dân tộc ta.

Trong công cuộc đổi mới, đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam - những người không chỉ làm tròn thiên chức người mẹ, người vợ đảm đang, tháo vát trong các gia đình, mà còn giỏi giang, tham gia gánh vác, chèo lái các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nên những thành công và uy tín về phát triển của đất nước ta trong những năm qua. Trong tổng số doanh nghiệp cả nước, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5%. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ, đóng góp 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn do chị em phụ nữ làm chủ không chỉ là những doanh nghiệp tầm cỡ trong nước mà còn vươn ra quốc tế góp phần làm tăng uy tín và vị thế của đất nước. Các doanh nghiệp này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giải quyết nhiều việc làm và bảo đảm đời sống, thu nhập cho cán bộ, nhân viên, tham gia tích cực vào việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Đã có hàng chục nữ doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách “Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á”, “Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu”, “Giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực”, “50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực”, “50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" và hàng trăm nữ doanh nhân được tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu – Cúp Bông hồng vàng” cùng các danh hiệu cao quý khác. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính bản thân nữ doanh nhân đã góp phần đưa Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Qua đó, các nữ doanh nhân tiếp tục hoạt động năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và hiệu quả quản lý..., ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Chúng ta đã bước vào năm đầu tiên của chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó dự báo, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, với định hướng xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển.

“Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Chương trình đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và đưa ra các giải pháp, các gói cứu trợ cần thiết trong khả năng cho phép để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn với phương châm biến “thách thức” thành ”cơ hội”, biến “cơ hội” thành “nguồn lực”, biến “nguồn lực” thành “hành động” và biến “hành động” thành “kết quả” để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển bền vững và vươn ra khu vực và quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

7 nhiệm vụ trọng tâm của nữ doanh nhân trong thời đại chuyển đổi số

Để phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nhân nữ nhằm thực hiện được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Hiệp hội và các nữ doanh nhân cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau.

Một là, xây dựng Hiệp hội trở thành một tổ chức mạnh cả về số lượng và chất lượng; khẳng định giá trị cốt lõi của Hiệp hội “Đoàn kết - Hợp tác - Sáng tạo - Phát triển - Bền vững”, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong thời kỳ mới của đất nước; vì bình đẳng, tiến bộ và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các hội viên.

Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam ra đời với mục đích tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ, phát huy tài năng, trí tuệ và vai trò của nữ doanh nhân; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của nữ doanh nhân cả nước; là nơi các tổ chức, cá nhân nữ doanh nhân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao về chuyên môn, kiến thức; bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân nữ và lao động nữ trong doanh nghiệp và đặc biệt đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của lực lượng nữ doanh nhân cũng như nhu cầu phát triển về tổ chức của nữ doanh nhân trong giai đoạn mới.

Hai là, Hiệp hội cần tuyên truyền, vận động các doanh nhân nói chung và doanh nhân nữ nói riêng hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người lao động, sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững và xây dựng phong cách Nữ doanh nhân mang đậm bản sắc và con người Việt Nam.

Ba là, tập trung hỗ trợ doanh nhân nữ chuyển đổi số, đổi mới mô hình và cách thức kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thay đổi cả về phương thức sản xuất, tạo thêm tài sản, nguồn lực số cho nhân loại, thay đổi cách thức giao tiếp của con người...

Đại dịch COVID-19 càng cho thấy chuyển đổi số là xu thế của thời đại, xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng,... Kinh tế số tạo thêm nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số, của cải số) cho phát triển, thay đổi cách tiếp xúc trong làm việc, tạo cơ hội cho các nước tận dụng tốt cơ hội vươn lên. Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, tận dụng được cơ hội chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ quyết định sự vươn lên hay tụt hậu của mỗi quốc gia, của doanh nghiệp. Vì vậy, Hiệp hội cần phải đặc biệt quan tâm và hỗ trợ các hội viên thực hiện chuyển đổi số vì phát triển doanh nghiệp bền vững và ngày càng lớn mạnh.

Bốn là, Hiệp hội cần hỗ trợ hội viên thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội mà các Hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại (EVFTA, CPTTP...); kết nối các doanh nhân nữ; nỗ lực, sáng tạo để có các hoạt động thiết thực cho doanh nhân nữ, giúp các doanh nghiệp và doanh nhân nữ vượt qua các khó khăn thách thức, tạo cơ hội thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của phụ nữ vào cộng đồng doanh nhân.

Năm là, hỗ trợ doanh nghiệp của hội viên xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trong kinh doanh nhằm nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.

Sáu là, hội viên và Hiệp hội cần tích cực đóng góp xây dựng chính sách pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và doanh nhân nữ. Tăng cường đối thoại chính sách, đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và doanh nhân nữ.

Bảy là, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam VCCI cần phối hợp thật chặt chẽ nhằm tăng cường nguồn lực, tăng cường sức mạnh hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho các doanh nghiệp nữ Việt Nam.


Xây dựng hình mẫu nữ doanh nhân thời đại mới

Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã quan tâm xây dựng văn hóa của tổ chức, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”, xây dựng hình mẫu “Nữ doanh nhân thời đại mới” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về “Xây đựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Theo đúng tinh thần đó, những nữ doanh nhân của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam là những nữ doanh nhân có trí tuệ, có bản lĩnh, sáng tạo, chủ động tận dụng cơ hội của công nghệ, của các Hiệp định thương mại quốc tế; sẵn sàng thích ứng với xu thế hội nhập để phát triển doanh nghiệp bền vững, tạo ra những giá trị khác biệt.”

Đồng chí Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ: “Nữ doanh nhân là một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. Theo thống kê ngày nay, tại Việt Nam có khoảng trên 30% phụ nữ tham gia lãnh đạo các doanh nghiệp, và đây là một tỷ lệ không nhỏ. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các nữ doanh nhân rất chủ động giải quyết những khó khăn nội tại của mình, chứ không ngồi yên trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài. Và Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam tự hào là nơi kết nối, là tổ hợp giá trị kinh tế, lan tỏa với yêu thương và trách nhiệm cộng đồng.”

Vượt qua những giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức cả trong nội tại và ngoài xã hội, đặc biệt là khi cả thế giới đang phải gồng mình chống lại đại dịch và cuộc khủng hoảng kép, như những đợt sóng ngoài biển khơi, thì những nữ doanh nhân vẫn luôn mang trong mình khát vọng vượt ngàn trùng khơi để vươn ra "biển lớn"; với mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và đón chờ một nhiệm kỳ mới khởi sắc, thành công đúng như thông điệp “Khát vọng vươn xa” mà Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ tới.

Với bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của người phụ nữ Việt, các nữ doanh nhân Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành những người truyền lửa cho thế hệ tiếp theo về ý chí, tinh thần và khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước, đem những giá trị tích cực đến với cộng đồng, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới. Đồng thời tạo ra tiếng nói chung và những giá trị cao nhất cho cộng đồng Nữ doanh nhân Việt trước các Diễn đàn Quốc tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước theo đúng đường lối của Đại hội Đảng khóa XIII – Vì một Việt Nam hùng cường.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất