Thứ Sáu, 3/1/2025
Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19
 

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận
tiền ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Masterise


Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về đại dịch Covid-19, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 về chiến lược, các biện pháp phòng, chống dịch đại dịch Covid-19... nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân về đại dịch Covid-19. Vận động toàn dân tích cực phòng, chống đại dịch, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn để thực hiện các biện pháp đáp ứng chống dịch một cách mạnh mẽ, hiệu quả.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời quán triệt, triển khai sâu rộng trong hệ thống Mặt trận về Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các kết luận, nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: “Toàn thể dân tộc Việt Nam chung sức, đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19”, “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành 16 văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương, các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, các tổ chức tôn giáo; tổ chức 5 hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai nhiệm vụ và 2 Lễ phát động vận động toàn dân hưởng ứng thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về ủng hộ phòng, chống dịch.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tuyên truyền về chiến lược phòng, chống đại dịch: “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, dập dịch, điều trị”, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về cách ly phòng, chống dịch Covid-19: Cách ly người nhập cảnh tại cơ sở cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm ít nhất 2 lần; cách ly người bệnh tại cơ sở y tế; cách ly người tiếp xúc tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, tự cách ly tại gia đình... Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, giúp đỡ các tổ chức chống dịch: Bộ chỉ huy tiền phương; Tổ công tác hỗ trợ địa phương; Tổ chống Covid-19 cộng đồng; giám sát, xử lý triệt để ổ dịch; vệ sinh tiêu độc... Khi phát hiện ổ dịch nhân dân phải bình tĩnh, tranh thủ thời gian để dập dịch nhanh chóng với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ nhất. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện các biện pháp sàng lọc cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm. Tuyên truyền về các biện pháp điều trị hiệu quả bệnh nhân mắc Covid-19: Thiết lập các khu cách ly, điều trị tại các tuyến từ Trung ương đến phòng khám đa khoa khu vực; 100 % bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế. Tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập; Khai báo y tế. Khẩu trang (đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; Đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly). Khử khuẩn (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay). Vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác; không tụ tập đông người; Khai báo y tế (thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ http://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19).

Tuyên truyền, vận động nhân dân các địa phương phải chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không chủ quan, lơ là với phòng, chống dịch; phải vận dụng triệt để phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để khi dịch xảy ra có ngay phương án ứng phó. Thông qua công tác tuyên truyền, đã huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai nhiều hình thức tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và nhân dân; hỗ trợ khẩu trang, vật dụng; hướng dẫn, trợ giúp công tác phòng, chống dịch. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các tổ chức xã hội khác đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động góp phần tích cực nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là cấp cơ sở và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã tích cực nắm bắt tình hình; tuyên tuyền, tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, đồng thời thực hiện các quy định về phòng, chống dịch tại thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Hệ thống các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã mở chuyên trang, chuyên mục, đưa hàng nghìn tin, bài, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành của nhân dân trong việc thực hiện các quy định và hướng dẫn về phòng, chống dịch.

Vận động, tiếp nhận và phối hợp phân bổ các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động toàn quốc vào ngày 17/3/2020, vận động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch. Ngay sau Lễ phát động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên đã tổ chức triển khai bằng văn bản hoặc tổ chức lễ phát động. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tổ chức Lễ phát động nhắn tin ủng hộ phòng, chống dịch qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1407. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động mạnh mẽ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, nhân dân ở trong và ngoài nước chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực ủng hộ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và nhân dân địa phương vùng dịch. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức hàng loạt các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là chăm lo hỗ trợ những đối tượng yếu thế bị tác động bởi ảnh hưởng của đại dịch với nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo. Các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài và nhiều hội, đoàn người Việt Nam ở các nước đã tham gia tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tuân thủ các quy định của nước sở tại, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; vận động, ủng hộ công tác phòng, chống dịch ở trong nước.

Tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền vận động ở Trung ương và địa phương qua kênh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được trên 2.263 tỷ đồng (tính đến ngày 30/10/2020). Trên cơ sở số tiền và hàng tiếp nhận, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ, phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch Covid-19, Bộ Y tế và các cơ quan, bộ, ngành liên quan, kịp thời phân bổ tiền và hiện vật đến đối tượng sử dụng trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Thực hiện các chương trình giám sát trong phòng, chống đại dịch Covid-19

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẩn trương xây dựng và ban hành Hướng dẫn giám sát việc thực hiện công tác hỗ trợ; đồng thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai đến các địa phương với 3.387 đại biểu tham dự. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đã chủ động, tích cực triển khai giám sát công tác phòng, chống dịch. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập 7 đoàn kiểm tra việc giám sát và tiến hành kiểm tra tại 16 tỉnh, thành phố; cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại một số địa phương. Ở địa phương, công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở, Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân trong rà soát, đối chiếu đến từng đối tượng được hỗ trợ. Qua rà soát, giám sát trên phạm vi cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời nắm bắt được thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, những sai phạm, dấu hiệu trục lợi chính sách, việc triển khai có nơi còn chậm, hoặc có một số điểm nội dung chưa phù hợp... để kịp thời phản ánh và đề xuất giải pháp trực tiếp với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo, giải quyết, xử lý và điều chỉnh văn bản hướng dẫn. Kết quả đó góp phần kịp thời vào việc giải ngân trên phạm vi toàn quốc đợt 1, cơ bản thuận lợi, chính xác đối với trên 12,9 nghìn tỷ đồng thực hiện hỗ trợ cho trên 12,4 triệu người dân và gần 21 nghìn hộ kinh doanh1.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó, sớm kiểm soát dịch thành công, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao vai trò thiết thực và hiệu quả đối với hoạt động của hệ thống Mặt trận. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 3/7/2020, về “Đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống khắc phục tác động của đại dịch Covid-19”. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức sáng tạo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nội lực trong nhân dân để góp phần cùng Đảng, Nhà nước dồn nguồn lực phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19. Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về kinh tế, an sinh xã hội, trước hết là những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế đất nước”2. Nghị quyết nêu bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với bối cảnh phòng, chống đại dịch Covid-19

Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở tầm chiến lược phát triển của Mặt trận chứ không chỉ ở tầm cải cách trong công việc hàng ngày. Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận trong tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19 phải đạt được ba yêu cầu: Các bên đều nâng cao sức mạnh, được tôn trọng tính độc lập của mỗi thành viên, thống nhất trong ngành dọc đến tận cơ sở để thống nhất hành động (như vậy là kết hợp cả chiều ngang lẫn chiều dọc trong hành động) để đạt được hiệu quả thực tế. Trong tình hình diễn biến phức tạp, căng thẳng của dịch bệnh, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải sâu sát thực tế cơ sở, lắng nghe, thấu hiểu nhân dân, giúp đỡ nhân dân thiết thực, cụ thể. Ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức hội nghị trực tuyến, sử dụng phần mềm công nghệ để cập nhật, xử lý thông tin, số liệu... về phòng, chống đại dịch Covid-19.

Phòng, chống đại dịch Covid-19 đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh, sáng kiến, sáng tạo nhằm giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

(tapchimatran.vn)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất