Thứ Ba, 7/1/2025
Yên Bái: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
 
Nông dân Yên Bái đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. 


Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho vay vốn, cung ứng vật tư phân bón trả chậm, tập huấn khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, “liên kết” theo hình thức kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường, tăng năng suất, chất lượng vật nuôi cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Trong tỉnh đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh như: Mô hình trồng dưa hấu, cỏ ngọt tại xã Thanh Lương; mô hình nuôi thủy sản tại xã Phù Nham; mô hình nuôi dê tại xã Phúc Sơn; mô hình trồng ớt ngọt tại xã Thanh Lương và xã Phù Nham, mô hình trồng nấm rơm tại Phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ); mô hình trồng khoai sọ tại xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ; Hát Lừu, Làng Nhì và xã Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu); mô hình trồng Bí đao xanh thơm tại xã Hát Lừu, thị trấn, xã Pá Hu (huyện Trạm Tấu); mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Yên Phú, Đại Phác (huyện Văn Yên); mô hình nuôi Vịt cổ xanh tại xã Việt Hồng, Hồng Ca (huyện Trấn Yên)....

Thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội phát động và tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2021; qua đó đã có trên 57.600 hộ hội viên đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bằng những việc làm cụ thể như tuyên truyền vận động hội viên nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nếp sống văn hóa ở nông thôn; tham gia xây dựng gia đình văn hóa, bản làng văn hóa, xã văn hóa, thực hiện và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, hội viên, nhân dân ủng hộ 477,7 triệu đồng, hiến 21.750 m2 đất xây dựng đường giao thông nông thôn, vận động trên 31.200 ngày công lao động phát dọn, chỉnh trang đường phố/đường làng; tu sửa, nâng cấp và mở mới 195 km đường liên thôn, bản; nạo vét, khơi thông 244 km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất; đào đắp 2.250m3 đất, sửa chữa 04 cầu, xây dựng 06 mô hình bảo vệ môi trường góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn...Cùng với đó phối hợp, liên kết với doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, phân bón, xây dựng mô hình ứng dụng cây con giống mới hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ký hợp đồng với nhà máy Apatis Lào Cai, Công ty Cổ phần Supe Phốt Phát và hóa chất Lâm Thao cung ứng trên 1.400 tấn phân bón trả chậm hỗ trợ nông dân sản suất.

Phối hợp với ngành nông nghiệp rà soát, xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp theo Nghị quyết số 69-NQ/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; tổ chức 403 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên quế, lúa, ngô, cây ăn quả, kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống đói, rét cho gia súc...cho 14.575 lượt hội viên nông dân (HVND); tổ chức 145 buổi tuyên truyền, phổ biến về khoa học kỹ thuật cho trên 4.300 lượt hội viên; tổ chức 01 cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả năng xuất lúa CLC và cỏ ngọt cho trên 80 hội viên tham gia. Điển hình như: Hội Nông dân huyện Trạm Tấu phối hợp với Trung tâm dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện, UBND xã Xà Hồ nhân rộng mô hình trồng cây Sâm Hoàng Shin cô tại xã Xà Hồ trên diện tích 3,0 ha; theo dõi kiểm tra sinh trưởng phát triển 02 mô hình trồng thử nghiệm giống cây ăn quả giống Bơ Shap 034, giống cây ăn quả Hồng giòn không hạt FUJU MC1 Nhật Bản, cây lê vàng trên diện tích 6,0 ha; mô hình chăm sóc và trồng cây Măng sặt trên quy mô 4,0 ha tại xã Túc Đán, Tà Xi Láng, Phình Hồ, Bản Công; Hội Nông dân huyện Trấn Yên vận động HVND trồng mới 125 ha tre măng Bát độ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị (xã Hồng Ca, Kiên Thành, Hưng Khánh, Lương Thịnh, huyện Trấn Yên)...

Cùng với tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Hội nông dân các cấp còn tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tham gia giám sát và phản biện xã hội; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức hội; đào tạo bồi dưỡng cán bộ; nâng cao chất lượng hội viên...

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua gắn với xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là tập trung nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh; Thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa nông dân với Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã; tập trung vận động tư vấn hỗ trợ, đồng hành với nông dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

(yenbai.gov.vn)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất