Thứ Bảy, 20/4/2024
Khắc phục đứt gãy thị trường lao động, cần các giải pháp căn cơ để phát triển nhà ở cho công nhân



Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt  Nam Nguyễn Đình Khang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất đánh giá thời gian qua, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nhất là trong chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn trong xây dựng các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Những đề xuất, kiến nghị của tổ chức công đoàn đã được Chính phủ ghi nhận.

Đến nay, đã hỗ trợ gần 16 nghìn tỷ đồng cho hơn 19 triệu người dân, người lao động (theo Nghị quyết 68/NQ-CP). Triển khai hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 13 triệu lao động, gần 390 nghìn người sử dụng lao động (theo Nghị quyết 116/NQ-CP)…. Công đoàn các cấp đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng.

Công tác phối hợp giữa hai bên cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực khác, như chăm lo đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán; xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến công nhân, lao động và tổ chức công đoàn; nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua…

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các vấn đề đang đặt ra liên quan tới đời sống công nhân, người lao động như khắc phục đứt gãy thị trường lao động; giải quyết nhà ở cho công nhân; xây dựng các trường mầm non phục vụ con em công nhân; hỗ trợ sóng và máy tính cho con em công nhân, lao động gặp khó khăn học tập trực tuyến… Các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm tại Hội nghị với yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người lao động và công nhân trong thời điểm khó khăn này. Các ý kiến đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động trong bối cảnh đặc biệt từ đầu năm tới nay. Những kết quả phối hợp đã góp phần giúp mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, góp phần vào thành tựu, kết quả chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong phát triển kinh tế - xã hội và nhất là phòng chống dịch bệnh những tháng vừa qua.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá rất cao những đóng góp của các cấp công đoàn và người lao động, công nhân trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những mất mát, hy sinh, những khó khăn, thách thức của giai cấp công nhân, người lao động, các cấp công đoàn trong thời gian vừa qua. 

Về trọng tâm công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, trước hết hai bên cần phối hợp trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phối hợp theo quy chế, góp phần nâng cao vị thế, vai trò mỗi bên, góp phần bảo vệ, tăng cường lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động gắn với xây dựng giai cấp công nhân hiện đại.

Trước mắt, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa mau chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định… Thủ tướng đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cơ quan khác triển khai cụ thể các nhiệm vụ này.

Thủ tướng đề nghị  tiếp tục triển khai khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế… Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp... Công đoàn phải là một kênh tham gia triển khai một trong ba khâu đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở. Xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính phủ sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động...

Thủ tướng đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn. Làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… Phối hợp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về các đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn, Thủ tướng giao các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết; báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền. Thủ tướng mong muốn các cấp công đoàn, công nhân, người lao động và các doanh nghiệp tích cực, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch để góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

(baochinhphu.vn)


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất