Thứ Bảy, 20/4/2024
Kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) tại tỉnh Thanh Hóa

 Đồng chí Nguyễn Phước Lộc  phát biểu tại buổi làm việc

Tham gia đoàn kiểm tra có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh.

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW do đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy trình bày nêu rõ: Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai nội dung cốt lõi của chỉ thị.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị đối với công tác nhân đạo, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chất lượng tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp ngày càng nâng cao; phát huy rõ nét vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động nhân đạo; nội dung và phương thức hoạt động có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở.

Những hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ triển khai đã góp phần thực hiện các chính sách xã hội, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, động viên các tầng lớp Nhân dân, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chăm lo cho người nghèo, người dân các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người khó khăn trong xã hội.

Nhiều hoạt động nhân đạo đã có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành những phong trào ở các địa phương trong tỉnh, khẳng định uy tín, vị thế của Hội Chữ thập đỏ.

Theo đó, giai đoạn 2011 - 2020, bình quân mỗi năm tổng kinh phí hoạt động của các cấp hội đạt trên 55 tỷ đồng, với nhiều phong trào như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; chương trình “Ngân hàng bò”, “Tháng Nhân đạo”; mô hình “Bếp ăn tình thương”; phong trào “Hiến máu nhân đạo”; các hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó và chung tay khắc phục hậu quả thiên tai.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19” của Trung ương và của tỉnh, từ năm 2020 đến nay các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị trên địa bàn tỉnh cấp phát miễn phí 80.000 khẩu trang y tế, 2.000 lọ nước sát khuẩn, 40.000 bánh xà phòng và nhiều vật tư y tế phòng, chống dịch. Đồng thời, vận động ủng hộ trên 40 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho các tỉnh, thành phố phía Nam; thăm hỏi, hỗ trợ các điểm chốt phòng, chống dịch, các khu cách ly tập trung, các khu vực phong tỏa, người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê qua địa phận Thanh Hóa, với tổng giá trị 3,7 tỷ đồng.

Hiện nay, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ được phủ khắp 27/27 huyện, thị, thành phố; 100% các xã, phường, thị trấn và 182 cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang có tổ chức hội cơ sở; 127 câu lạc bộ tình nguyện viên với trên 5.100 hội viên thường xuyên tham gia hoạt động.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác quán triệt, triển khai và sơ kết đánh giá của các cấp ủy đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW; trách nhiệm của các cấp chính quyền trong tỉnh đối với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ hoạt động; công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội Chữ thập đỏ trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là địa phương vùng sâu, vùng xa; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh; công tác phát triển, hoạt động của lực lượng tình nguyện viện, công tác viên chữ thập đỏ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Thanh Hóa là tỉnh có diện tích đứng thứ 5 cả nước; toàn tỉnh có hơn 3,7 triệu người, trong đó, có khoảng 1,1 triệu người sinh sống ở khu vực miền núi, với gần 700 nghìn người là đồng bào các dân tộc thiểu số; Thanh Hóa cũng là tỉnh có đường bờ biển dài, nhiều người dân gắn bó với nghề đi biển; trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều thương binh, liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc hóa học, do vậy công tác nhân đạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, những năm gần đây, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội Chữ thập đỏ đã được nâng lên. Những hoạt động nhân đạo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo được triển khai tương đối tốt và hiệu quả. Thông qua, hoạt động nhân đạo vai trò, vị thế của Hội Chữ thập đỏ các cấp được nâng lên.

Cùng với việc phân tích, làm rõ hơn những nội dung thảo luận của các thành viên trong Đoàn kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đã thông báo khái quát những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian vừa qua.

Theo đó, năm 2021 tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Song với sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành và sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh vẫn duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục phát triển.

Dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt từ 8,6 đến 9%; thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 32.420 tỷ đồng, vượt xa so với dự toán; xuất khẩu toàn tỉnh dự kiến đạt 5,3 tỷ USD. Thanh Hóa cũng là một trong tỉnh đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt kết quả tích cực.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của người dân, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản khống chế được dịch bệnh trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.

Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành phương án về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.

Từ những kết quả trên cho thấy các hoạt động nhân đạo, từ thiện của tỉnh Thanh Hóa đang triển khai là đúng hướng và đạt kết quả cao; qua đó, tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của nhà nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành chỉ thị mới để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ.

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ghi nhận, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của tỉnh Thanh Hóa.

Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quán triệt, triển khai Chỉ thị số 43-CT/TW đến các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tạo ra nhiều chuyển biên tích cực trong công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp. Đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW bằng nhiều chương trình, kế hoạch về văn hóa - xã hội để nâng cao đời sống vật chất, mức sống, tinh thần cho Nhân dân. Qua đó, làm cơ sở để Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh có căn cứ triển khai công tác nhân đạo.

Những vấn đề mà đoàn kiểm tra đặt ra chính là cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nghiên cứu, tham khảo trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW trong thời gian tới.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng, xác định 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trường và 6 hành lang kinh tế; 3 khâu đột phá và các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, môi trường làm cơ sở chính trị, động lực để toàn hệ thống chính trị phấn đấu thực hiện. Đây cũng là cơ sở để các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai công tác nhân đạo toàn diện, hiệu quả hơn.

Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo, quán triệt đến các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về công tác nhân đạo là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành nghiên cứu, liên thông tích hợp các chỉ thị, văn bản của Trung ương về công tác dân vận, lồng ghép với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW để phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực hiện các chính sách xã hội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cần căn cứ vào các nghị quyết, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị để chỉ đạo, lãnh đạo, giao nhiệm vụ cho Hội Chữ thập đỏ hoạt động hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục đích. Tiếp tục thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW gắn với công tác dân vận chính quyền. Tăng cường phối hợp, giao nhiệm vụ hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, vật chất để Hội Chữ thập đỏ các cấp triển khai thực hiện công tác hội hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Cùng với khắc phục mạnh mẽ những hạn chế trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để công tác nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ được triển khai rộng rãi, sâu sát với cuộc sống của người dân, tránh bỏ sót những trường hợp khó khăn, cần giúp đỡ trong xã hội./.

(baothanhhoa.vn)

Tin liên quan: 

* Kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) tại huyện Quảng Xương

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất