Thứ Hai, 7/10/2024
Người khiếm thị Việt Nam “Tàn nhưng không phế”

 Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cùng các nhà khoa học và đông đảo cán bộ, hội viên Hội Người mù Việt Nam tại 180 điểm cầu trên cả nước. 

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đinh Việt Anh đã nêu rõ: Đêm giao thừa Tết Bính Thân (11/02/1956), Bác Hồ đến thăm và chúc Tết Trường Thương binh hỏng mắt. Với tất cả tình yêu thương, sự trân trọng và mong muốn các đồng chí thương binh tiếp tục phấn đấu, phát huy khả năng, đóng góp công sức của mình cho gia đình và xã hội, Bác đã nói: "Tại mái trường này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy, các chú tàn nhưng không phế. Các chú tùy theo sức của mình mà học tập và công tác…".

Từ lời dạy thiêng liêng cùng sự quan tâm của Bác, các đồng chí thương binh hỏng mắt đã tích cực học chữ Braille, học nghề, tăng gia sản xuất, truyền ngọn lửa của ý chí “Tàn nhưng không phế” đến những người khiếm thị và những người khuyết tật nói chung. Các đồng chí đã nỗ lực thành lập Trường chữ nổi Ba Đình do thương binh Trần Công Nhuận làm hiệu trưởng, xây dựng các cơ sở sản xuất tập trung cho người mù, tạo những tiền đề quan trọng để tiến tới thành lập Hội Người mù Việt Nam. Ngày 17/4/1969, Hội Người mù Việt Nam, mái nhà chung của người mù cả nước ra đời trong sự quan tâm của Đảng, nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tháng 6/1969, Bộ Nội vụ thông báo với Hội là Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đang yếu mệt đã gửi lời thăm hỏi, động viên và yêu cầu Hội báo cáo với Bác về tình hình người mù. Hội đã gửi báo cáo lên Bác và xin phép Bác lấy lời dạy: “Tàn nhưng không phế” của Người làm phương châm hoạt động. Từ đó, lời dạy thiêng liêng ấy luôn đọng mãi trong trái tim và thôi thúc mỗi cán bộ, hội viên vượt qua khó khăn, phấn đấu xây dựng tổ chức Hội và vươn lên hòa nhập cộng đồng.


Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương;
đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam
cùng
đại biểu tham dự Hội thảo

Các ý kiến trình bày tại Hội thảo cùng với gần 100 bài tham luận của các nhà khoa học, cán bộ, hội viên trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã khẳng định, thời gian qua cán bộ, hội viên luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện để lời dạy thiêng liêng ấy cùng những tư tưởng đạo đức, phong cách ngời sáng của Người không chỉ đọng mãi trong trái tim mà được vận dụng, kết tinh trong mỗi hành động, việc làm trên bước đường vươn lên xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hòa nhịp và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng. Hội thảo đã góp phần nhân rộng cách nhìn, cách nghĩ tích cực về người khuyết tật; từ đó, người khiếm thị, người khuyết tật ngày càng được đón nhận sự quan tâm, hỗ trợ, tiếp sức của Đảng, nhà nước và toàn xã hội để thực sự trở thành những người “Tàn nhưng không phế”; bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn để Ban Thường vụ Trung ương Hội và các cấp hội trong cả nước có thêm lý luận và thực tiễn để cụ thể hóa các nội dung hoạt động của Hội trong thời gian tới, nhất là các hoạt động hỗ trợ hội viên để cụ thể hóa chủ trương không để ai bỏ lại phía sau của Chính phủ cũng như chủ trương mới của Đảng được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII vừa qua đó là “Khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc niềm tin, khát vọng phát triển” của mỗi người dân Việt Nam trong đó có trên 75.000 hội viên Hội Người mù đang sinh hoạt tại 57 Tỉnh, Thành Hội, 418 Quận, Huyện Hội, 3.624 Hội xã, phường và Chi Hội trên cả nước.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo Tư tưởng “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người khiếm thị do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Hội Người mù Thành phố Hà Nội tổ chức là hoạt động rất thiết thực trong triển khai thực hiện Kết lận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời là hoạt động cụ thể hưởng ứng ngày Quốc tế Người Khuyết tật (03/12). Đồng chí đánh giá cao tinh thần trách nhiệm rất cao của các đại biểu tham dự; biểu dương các điển hình trong các phong trào thi đua của Hội trên khắp mọi miền của Tổ quốc và mong muốn các anh, chị và các bạn trẻ là hội viên của Hội tiếp tục thi đua, trau dồi, rèn luyện, phát huy trí tuệ, năng lực, chủ động, tự tin hòa nhập cộng đồng, góp phần cùng với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước trong đó có trong hơn 6 triệu người khuyết tật thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng chí khẳng định, thời gian tới, Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp tục tham mưu với Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với Hội Người mù Việt Nam; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội gắn với vai trò đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phát triển tổ chức, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đề nghị Trung ương Hội Người mù Việt Nam và các cấp bộ Hội trong cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận của Đảng; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng sáng tạo, thiết thực, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của hội viên đối với Đảng, Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chú trọng vận động hội viên tích cực tham gia phòng, chống dịch theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và chuẩn bị tốt các điều kiện tiến tới Đại hội Đại biểu Hội Người mù Việt Nam lần thứ X, nhiệm kì 2022 - 2027./.

Ngọ Văn Khuyến

         

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác