|
Quang cảnh Hội nghị
|
Dự hội nghị có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương; Ủy viên Đoàn Chủ tịch và lãnh đạo một số tổ chức thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Lắng nghe tối đa ý kiến của nhân dân
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, chương trình phối hợp giữa hai bên cần chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để lắng nghe được tối đa lượng ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân, từ đó động viên tinh thần toàn quân, toàn dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết và giải quyết được những việc mới, việc khó của đất nước trong từng giai đoạn.
Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến trong những tháng ngày chiến đấu với dịch Covid-19 là giai đoạn khó khăn của đất nước, nếu không có hệ thống chính trị vững mạnh, không có tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và những người nơi lực lượng tuyến đầu thì chúng ta không thể vượt qua và bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế như hiện nay.
Cũng theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, thời gian qua, các hoạt động thăm hỏi, động viên, khích lệ của Chủ tịch nước đã tạo không khí hồ hởi, phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân. Sự thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tạo được sự động viên vững chắc cho lực lượng tuyến đầu, cho toàn quân, toàn dân quyết tâm vượt qua khó khăn.
Trong thời gian tới, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho rằng, đối với việc triển khai Đề án chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà MTTQ Việt Nam được giao đảm nhiệm 2 chuyên đề, mong rằng Chủ tịch nước tiếp tục quan tâm giúp đỡ làm rõ và sâu sắc thêm tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII là MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ.
"Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã đăng ký và được Bộ Chính trị đưa vào chương trình của năm 2022 về đề án cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam. Với uy tín và trách nhiệm của mình, mong Chủ tịch nước ủng hộ và chỉ đạo kịp thời giúp MTTQ Việt Nam hoàn thiện đề án quan trọng này", đồng chí Đỗ Văn Chiến mong muốn.
Nhắc tới nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa X sẽ được tổng kết nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị Chủ tịch nước sẽ quan tâm để góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến tin tưởng thành công của Hội nghị sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự phối hợp hoạt động giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ đoàn kết cao hơn nữa, vượt khó vươn lên, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành hầu hết nội dung, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi bên, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022 và thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2022 là năm thứ 2 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Do đó đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong năm 2022.
Nhấn mạnh tới phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để MTTQ các cấp tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch nước đề nghị, MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, quán triệt kỹ chỉ đạo của Tổng Bí thư đến các cấp MTTQ và các tổ chức thành viên để làm tốt hơn nữa vai trò trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu.
|
Nhằm phát huy vai trò của Mặt trận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch nước đề nghị MTTQ Việt Nam đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy truyền thống hào hùng của dân tộc; phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, lòng tự tôn và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường trong mỗi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, tạo niềm tin, sự thống nhất trong nhận thức và hành động để quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
“MTTQ Việt Nam tiếp tục tuyên truyền và vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ, cùng nhau vượt qua khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh.” Chủ tịch nước gợi mở.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh tới việc, MTTQ Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc tham gia đề xuất, xây dựng, phản biện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đặc biệt cần phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ trong việc thực hành dân chủ và phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong đời sống xã hội; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Phối hợp đề xuất, xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp phản ánh tới cấp ủy, chính quyền và trực tiếp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị.
Để công tác phối hợp giữa hai bên đạt hiệu quả cao nhất, Chủ tịch nước đề nghị, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu cho Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và Điều lệ MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng lưu ý hai bên cần chủ động đề xuất các chương trình hành động cụ thể nhằm đa dạng hóa các hoạt động phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong các lĩnh vực đối nội, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong phục hồi, phát triển KT- XH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, hai bên cần có những giải pháp hiệu quả đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm khích lệ, động viên những điển hình tiên tiến, tập thể và cá nhân tiêu biểu trong tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực qua đó tạo đà thi đua mới, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nhân dịp này Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ, Quốc hội, chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kiến nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam và MTTQ Việt Nam các cấp; đồng thời đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành, phù hợp với tình hình mới để công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
(daidoanket.vn)