Thứ Sáu, 8/11/2024
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ: Tạo dòng chảy khát vọng hùng cường

Đó là những chia sẻ của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn tại buổi đối thoại với đoàn viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài nước, chiều 25/3, với chủ đề "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên".

 
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn trò chuyện
 với đoàn viên, thanh niên tại buổi đối thoại
 


Lên tiếng thay đổi cơ chế để đóng góp cho đất nước

Đặt câu hỏi tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Văn An - đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty CP Sách và Hành động đề nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn chia sẻ những việc Đoàn Thanh niên sẽ triển khai để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức, nhất là việc đổi mới sáng tạo trong học tập và khởi nghiệp.

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để sáng tạo phải có tri thức, hiểu biết về lĩnh vực và đau đáu tìm ra giải pháp hữu ích, phương án tối ưu hơn. “Nếu không đọc, không tiếp cận tri thức của nhân loại, thì rất khó để sáng tạo”, đồng chí Tuấn nói.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, sáng tạo trên nền tảng tri thức có tính rủi ro rất cao, như lĩnh vực khởi nghiệp, mọi người vẫn hay nói phải “liều mới được nhiều”. Thông thường chỉ 2% các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp thành công trên thế giới, ở Việt Nam theo thống kê của Bộ KH&ĐT khoảng 7 - 8%, đây là con số rất cao.

Tại buổi đối thoại, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn thẳng thắn thừa nhận, T.Ư Đoàn đang “nợ” khi chưa ra mắt được Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, đáng mừng là nhiều địa phương, bộ ngành đã triển khai rất tốt qua các quỹ uỷ thác, các cuộc thi gọi vốn tài trợ cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên. Bên cạnh nguồn vốn, cần có thiết chế về pháp lý để hỗ trợ cho các dự án sáng tạo. Ba năm đầu các dự án khởi nghiệp rất nhiều chông gai, nên những hỗ trợ ban đầu là rất cần thiết. Hiện, T.Ư Đoàn thực hiện chiến lược phát triển thanh niên 2021-2030 và đang trình lên Chính phủ, trong đó có nội dung hỗ trợ khởi nghiệp.

“Muốn đi nhanh phải đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau, chúng tôi kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp kết nối và cùng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo để ngày càng tốt hơn”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn kêu gọi.

Theo dõi buổi đối thoại trực tuyến từ Singapore, bạn Nguyễn Thảo Nhi (đại điện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore), đặt câu hỏi: Làm thế nào để cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa tinh thần, khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài và thu hút các bạn về nước làm việc, cống hiến?

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, khi bạn đã có tinh thần và khát vọng cống hiến thì dù bạn ở đâu cũng có thể cống hiến. Hiện, T.Ư Đoàn có 21 tổ chức Đoàn, Hội SVVN ở nước ngoài, mạng lưới tri thức trẻ sinh viên toàn cầu lên tới 10 nghìn người. “Đây là những cơ sở quan trọng để chúng tôi chia sẻ tình hình thanh niên trong nước với nước ngoài, đồng thời tiếp nhận những đóng góp của các bạn trẻ nước ngoài cho tổ chức Đoàn trong nước”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, quan điểm chung của Đảng và Nhà nước là luôn khuyến khích, hoan nghênh các bạn tích cực đóng góp cho đất nước dù ở trong hay ngoài nước. Các bạn trẻ không nên ngồi chờ thay đổi cơ chế, chính sách mới về nước làm việc mà hãy nói lên tiếng nói của mình để đóng góp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với nhu cầu của bản thân, từ đó cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

Giữ trái tim nóng, cái đầu lạnh

Tại buổi đối thoại, chủ quyền biển đảo, đặc biệt là tình hình Biển Đông - vấn đề được các bạn trẻ quan tâm. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ niềm vui mừng trước những câu hỏi của bạn trẻ về chủ đề này, bởi một lần nữa khẳng định, thanh niên nói riêng, tuổi trẻ nói chung luôn rực cháy tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là vấn đề chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, mỗi bạn trẻ yêu Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo hãy luôn giữ “trái tim nóng, cái đầu lạnh” để phản ứng đúng đắn trước những thông tin tiêu cực, xuyên tạc của các thế lực thù địch về biển đảo Tổ quốc. Đồng thời, các bạn chủ động học hỏi, trang bị kiến thức, tìm hiểu thông tin về chủ quyền biển đảo, biên giới của đất nước.

Không đồng tình với đánh giá cho rằng, thế hệ Gen Z thường khẳng định cái tôi mà quên giá trị cộng đồng, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, câu chuyện chống dịch 2 năm vừa qua cho thấy, mong muốn khẳng định cái tôi của các bạn trẻ đã hòa vào dòng chảy chung rất đáng trân trọng.

“Nhiều bạn dùng tiền tiết kiệm đóng góp phòng chống dịch, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Những bạn Gen Z xin phép, thậm chí trốn bố mẹ tham gia các đội hình tuyên truyền, hỗ trợ F0, hỗ trợ phòng, chống dịch… Khi Tổ quốc, đất nước cần, các bạn biết đặt cái tôi vào dòng chảy chung của đất nước”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, tổ chức Đoàn các cấp có trách nhiệm lớn hơn, để mỗi bạn Gen Z như giọt nước phải đi vào dòng chảy tạo thành dòng sông chảy ra biển lớn. Do đó, TW Đoàn cố gắng thiết kế công việc, giáo dục của Đoàn theo hướng, các bạn là chủ thể từ thiết kế tới tổ chức; phải đưa các bạn thành chủ thể trung tâm, để cái tôi các bạn được khẳng định, được góp sức và đóng góp tốt nhất cho đất nước.

Đừng nghĩ làm chức to, việc lớn mới là đóng góp

Chia sẻ về khát vọng của mình, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết, năm 18-20 tuổi, ước mơ của anh là học ngành Vật lý địa cầu. Còn bây giờ, khi đang là thủ lĩnh thanh niên Việt Nam, anh cũng có khát vọng giống như bao bạn trẻ khác là được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho đất nước.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn quan niệm rằng, để thực hiện khát vọng cống hiến cho đất nước, mình phải cố gắng làm việc, hoàn thiện mình mỗi ngày. Ngày hôm nay mình phải làm việc tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai phải làm việc tốt hơn ngày hôm nay.

“Tôi cho rằng, các bạn trẻ đừng suy nghĩ, phải làm chức to, làm những công việc thật lớn lao mới là đóng góp cho đất nước, mà ngay trong công việc hàng ngày, mình hãy cố gắng sáng tạo, tìm tòi nghiên cứu để hoàn thành công việc đó một cách tốt nhất. Đó cũng là đang đóng góp cho xã hội, dựng xây đất nước rồi”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói.

Khởi nghiệp văn hóa

Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, một quốc gia hùng cường không chỉ đo đếm bằng chỉ số GDP, hay số lượng tỷ phú nhiều hay ít, mà được đo đếm bằng nền tảng văn hoá, sức mạnh văn hoá.

Với Đoàn, văn hóa là một mặt trận rất quan trọng cần quan tâm, đẩy mạnh phát triển. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để “chỉ lối dẫn đường” cho thanh thiếu nhi Việt Nam về văn hóa, thì một mình Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không làm được. Tuy nhiên, điều đầu tiên và tốt nhất có thể làm là học theo Bác Hồ.

“Học theo Bác về tư tưởng, đạo đức, phong cách thì mỗi người chúng ta sẽ trở thành người có văn hóa, kể cả văn hóa dân tộc lẫn văn hóa thế giới”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nêu; đồng thời nhấn mạnh, phải kiên trì, làm sao cho mỗi người phải học theo Bác, làm theo Bác ở bất kỳ cương vị nào, chứ không phải làm theo trào lưu, kỳ cuộc.

Hiện T.Ư Đoàn thiết kế để việc học theo Bác thường xuyên, liên tục, bền vững hơn. “Hy vọng sẽ có nhiều tấm gương học theo Bác, cháu ngoan Bác Hồ trong thời gian tới. Các tấm gương đó sẽ giúp bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống và tiếp thu văn hóa nhân loại”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Ngoài xây dựng văn hóa trong Đoàn và văn hóa của người cán bộ Đoàn, theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, T.Ư Đoàn củng cố bộ máy hoạt động của Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ trẻ và tổ chức liên hoan văn nghệ sĩ trẻ toàn quốc vào tháng 10 - 11/2022 tới. Đặc biệt, phải có khởi nghiệp văn hóa, có các sản phẩm văn hóa chất lượng thì mới tác động, thay đổi nhận thức của người dân và thanh thiếu nhi về văn hóa.

“Chỉ khi làm tốt việc này, mang ra nhiều sản phẩm văn hóa sẽ giúp định hình văn hóa truyền thống dân tộc tốt hơn”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói và mong muốn nhận được sự tham gia từ phía các nghệ sĩ trẻ. “Một mình Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không làm được, nhưng nếu có sự chung tay của các bạn, chúng tôi sẽ làm việc này tốt hơn”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

 Những con số ấn tượng

Diễn ra trong 2,5 giờ đồng hồ, buổi đối thoại kết nối tới 11.300 điểm cầu; trong đó, có 18 điểm cầu quốc tế tại các tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài; hơn 1,3 triệu đoàn viên, thanh niên theo dõi tại các điểm cầu; hơn 9,5 triệu lượt tiếp cận, tương tác thông qua livestream; hơn 3.000 câu hỏi được gửi tới buổi đối thoại.

 

(tienphong.vn) 

Gửi cho bạn bè