Chiều ngày 8/4, tại Hà Nội, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.
|
Quang cảnh phiên họp |
Cùng tham dự có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Nguyễn Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban Chỉ đạo.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc giao cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội, ngày 16/02/2022 Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-MT-ĐĐ về xây dựng Đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; ngày 9/3/2022 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập xây dựng Đề án.
Đề án nêu rõ, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Thực tiễn tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong những năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị Khóa XI ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (kèm theo Quyết định số 217/QĐ/TW ngày 12/12/2013) đến nay đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, nhất là nhận thức của cấp ủy, chính quyền về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam một số nơi còn chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát, phản biện xã hội; cơ sở vật chất và các nguồn lực phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn chưa tương xứng, nhất là về kinh phí và nguồn nhân lực; việc tiếp thu, theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện của cấp ủy đảng và chính quyền có nơi, có lúc chưa được quan tâm, chú trọng…
Bởi vậy, việc xây dựng Đề án sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện đầy đủ, quyền, trách nhiệm của mình và góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội.
Nội dung Đề án cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của các văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội; Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã làm tốt và chưa làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội. Ưu tiên khảo sát các tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội.
Để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, nội dung Chỉ thị đề xuất một số vấn đề cụ thể như: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội…
Tại phiên họp, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để làm rõ hơn nữa thực trạng giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian gần đây như: Việc kiểm tra hậu giám sát; việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện, giám sát, phản biện xã hội ở một số nơi còn lúng túng; nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa thống nhất,... Từ đó bổ sung các giải pháp vừa mang tính chiến lược, lâu dài vừa mang tính cụ thể, đảm bảo khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại hiện có, đồng thời có những giải pháp tổng thể, có tính đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác giám sát, phản biện xã hội.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp ý vào nội dung của đề án; đồng thời đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện đề án, triển khai các bước tiếp theo để trình Ban Bí thư xem xét ban hành Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, trong quá trình xây dựng đề án, Tổ biên tập cần đánh giá đúng những ưu điểm, kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và chỉ rõ nguyên nhân từ đó đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời việc xây dựng và thực hiện Chỉ thị phải bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến tin tưởng với việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về Đề án sẽ tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
(mattran.org.vn)