|
Quang cảnh buổi làm việc
|
Các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc, về phía Ban Dân vận Trung ương, có đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị Ban Dân vận Trung ương
Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam có đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch, cùng các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn, lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Hoạt động Công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, tập trung chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 02 trong hệ thống Công đoàn sau gần 1 năm ban hành, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 02/Ctr-BCH ngày 20/7/2021 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xác định 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 35 đề án, kế hoạch quy định cụ thể và phân công các ban, đơn vị chủ trì tham mưu triển khai thực hiện với mục tiêu và tiến độ cụ thể.
|
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu
báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 02 tại buổi làm việc
|
Tổng Liên đoàn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt trong đội ngũ cán bộ công đoàn toàn hệ thống về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn; các nội dung cơ bản của Nghị quyết và Chương trình hành động số 02/Ctr-BCH ngày 20/7/2021 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02, bám sát Chương trình hành động số 02-CTr/TLĐ để tăng cường chỉ đạo thực hiện trong các cấp công đoàn; chú trọng đề cao trách nhiệm của các cấp công đoàn và tập hợp, phát huy, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đoàn viên công đoàn trong thực hiện Nghị quyết 02.
Đến nay, đã có 80/82 đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch và ban hành triển triển khai; 46/82 đơn vị đã tổ chức và có kế hoạch tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 02. Đối với các ban, đơn vị được phân công thực hiện 35 nội dung gồm các đề án và kế hoạch trong thời gian qua đã bám sát chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ động triển khai các nội dung được phân công bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực đảm bảo theo đúng yêu cầu, tiến độ đã đề ra.
Đảng đoàn Tổng Liên đoàn đã ban hành công văn số 565-CV/ĐĐTLĐ, ngày 13/8/2021 đề nghị các tỉnh, thành ủy thuộc Trung ương… phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết 02. Đến nay, theo tổng hợp báo cáo từ các liên đoàn lao động địa phương đã có 56/63 tỉnh, thành ủy đã xây dựng chương trình hoặc kế hoạch triển khai thực hiện.
Bên cạnh cấp Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn trong toàn hệ thống đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 sâu rộng đến đoàn viên công đoàn và người lao động thông qua các hình thức tổ chức các hội nghị tập huấn trực tuyến hoặc trực tuyến chuyên đề hoặc kết hợp với các lớp tập huấn khác, các cuộc thi tìm hiểu…của công đoàn các cấp.
Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan công đoàn các cấp tiếp tục được triển khai theo đúng chủ trương, nghị quyết của Trung ương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện và hỗ trợ cơ sở thực hiện nhiệm vụ…
|
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn,
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
|
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: Nghị quyết 02 - Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Bộ Chính trị khóa XIII được ban hành đã khẳng định sự quan tâm, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Sau gần một năm triển khai Nghị quyết số 02 và Chương trình số 02/Ctr-BCH, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết được quán triệt nhất quán; công tác xây dựng chương trình, kế hoạch hành động được triển khai kịp thời, đầy đủ; công tác tổ chức học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 02 tại các địa phương, ngành được tổ chức bài bản, bước đầu đạt kết quả tốt. Hoạt động của các cấp Công đoàn đã có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao. Hoạt động Công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 làn sóng thứ tư, các cấp Công đoàn linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ số, internet, mạng xã hội trong chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ''…
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết trong các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị một số nơi còn chậm. Trong khi, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy tổ chức Công đoàn Việt Nam đổi mới, phát triển toàn diện, góp phần củng cố, phát triển hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì rất cần sự vào cuộc triển khai quyết liệt, có hiệu quả của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là trong bối cảnh pháp luật cho phép ra đời tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh tổ chức công đoàn - Đồng chí Nguyễn Đình Khang lưu ý.
Công đoàn cần nắm vững nguyện vọng, đặc biệt là những bức xúc của công nhân lao động
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chủ động phối hợp với Ban Dân vận Trung ương đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 02; cùng bàn giải pháp thúc đẩy đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
|
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
phát biểu kết luận buổi làm việc
|
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài biểu dương Tổng LĐLĐ Việt Nam thời gian qua đã triển khai thực hiện Nghị quyết 02 chủ động, khẩn trương, nghiêm túc và kịp thời, chỉ sau một tháng Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động chi tiết với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó ban hành 35 nội dung gồm các đề án và kế hoạch đề ra trong Chương trình 02/Ctr-BCH cụ thể bám sát đúng và trúng Nghị quyết, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt là, chỉ đạo các cấp Công đoàn quán triệt Nghị quyết sâu sắc trong toàn hệ thống, triển khai Chương trình hành động; đồng thời Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố phối hợp với các ban đảng tham mưu cho tỉnh, thành ủy xây dựng chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết 02 để cùng triển khai phối hợp thưc hiện Nghị quyết rất đồng bộ, kịp thời.
Đồng chí cho rằng: “Chỉ khi cán bộ Công đoàn nhận thức sâu sắc về Nghị quyết, mới có thể tạo chuyển biến từ nhận thức, đến hành động, qua đó xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, thích ứng với tình hình mới”.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, thời gian qua, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động xây dựng các chính sách kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. “Trong dịch bệnh, Công đoàn đã chứng minh sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của mình với đoàn viên, người lao động. Sau dịch bệnh, tổ chức Công đoàn đã có nhiều biện pháp giúp đỡ, động viên, khuyến khích người lao động quay trở lại thị trường lao động, qua đó giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, công nhân lao động có việc làm, ổn định tình hình quan hệ lao động”.
Thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục quan tâm tuyên truyền, quán triệt về Nghị quyết, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, nhất là cần có sự đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền để cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội nhận thức rõ thời cơ, thách thức đặt ra với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó hơn bao giờ hết, tổ chức Công đoàn cần nắm chắc tình hình công nhân và người lao động; nắm vững nguyện vọng, đặc biệt là những bức xúc của công nhân lao động, để kịp thời giải quyết ngay từ đầu, vừa góp phần bảo vệ người lao động vừa góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội. Thường xuyên, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động, đề xuất thương lượng, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động; kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động. Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích, quan tâm đến cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động trực tiếp; chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả trong các cấp Công đoàn…
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cần chủ động tham mưu, đề xuất một số vấn đề như: Cơ chế tuyển dụng cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào; biên chế cho Công đoàn; đề xuất chính sách giữ chân và thu hút cán bộ Công đoàn; chủ động đề xuất chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động; đồng thời rà soát, xem xét xây dựng trường học cho con công nhân lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, nhất là trường mầm non, tiểu học, qua đó giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.
Đồng chí yêu cầu Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục tham mưu, sửa đổi chính sách liên quan đến Công đoàn như Luật Công đoàn; tham gia giám sát, phản biện chính sách có liên quan đến người lao động trong quá trình sửa Luật tại Quốc hội sắp tới… Đồng thời đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu, có cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan chặt chẽ hơn, giao ban định kỳ để cùng bàn các giải pháp thực hiện tốt phong trào công nhân, hoạt động công đoàn năm 2022; triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; đồng thời chuẩn bị chu đáo và chỉ đạo thành công tốt đẹp Đại hội các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028./.
Hoàng Phong