Thứ Năm, 28/11/2024
Phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia

Đồng chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nếu không đạt yêu cầu, sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. 

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển đất nước trong những năm tới đảm bảo hiệu quả, bền vững, cũng là văn kiện chung để triển khai các quy hoạch trên các vùng, ngành, xây dựng quy hoạch các địa phương của cả nước. 

"Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước", đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Hội nghị lần này là dịp để cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, trên cơ sở đó tổng hợp, phân tích, đánh giá, tiếp thu ý kiến xác đáng để bổ sung vào báo cáo quy hoạch.

Bên cạnh đó, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận, thông tin về nội dung này sẽ được sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo cơ hội chia sẻ với cơ quan chủ trì soạn thảo về khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để đưa Quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống.

Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ lớn, phức tạp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật Quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta, là nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ. 

Đồng thời, đây là bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tập trung vào việc phân bổ các tổ chức, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường...; là cơ sở để triển khai các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, địa phương...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ lớn, phức tạp, cần xác định đây là cơ hội rất quý để đất nước đánh giá lại thực trạng những vấn đề mang tính tổng thể một cách thực chất, nhằm phát hiện, nhận diện những khó khăn, thách thức; từ đó đưa ra những định hướng mới cho cho đất nước, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần đạt được mục tiêu, khát vọng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng một cách công phu, có trách nhiệm

Góp ý tại hội nghị, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đánh giá, dự thảo Quy hoạch được xây dựng một cách công phu, có trách nhiệm, thể hiện được tính khoa học cao, có kết cấu khá phù hợp, đề cập đến các vấn đề cốt lõi của công tác quy hoạch. 

Dự thảo đã đưa ra quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, phương hướng phát triển và phân bố không gian đối với từng ngành kỹ thuật. Đặc biệt, phần hạ tầng năng lượng và hạ tầng hệ thống thông tin và truyền thông được dự thảo với nội dung chất lượng, khá đầy đủ về tổng thể cũng như chi tiết.

Bên cạnh những mặt đạt được, dự thảo Quy hoạch vẫn còn một số hạn chế. Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia là một trong các nội dung thuộc Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng thời sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch ngành cấp quốc gia. 

Vì vậy, nội dung của định hướng phát triển ngành hạ tầng cấp quốc gia trong quy hoạch tổng thể chỉ nên dừng ở mức độ xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cần có để phục vụ việc phát triển kinh tế hiệu quả, tiết kiệm, không nên trình bày quá chi tiết vào việc đầu tư các công trình cụ thể. Ngoài ra, trong dự thảo Quy hoạch chưa nêu được luận chứng để phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật mà còn đi sâu vào trình bày quy mô phát triển của từng ngành, thậm chí lấn sang nội dung của quy hoạch ngành quốc gia là không phù hợp.

"Bên cạnh 7 lĩnh vực đã nêu trong dự thảo Quy hoạch, còn một số lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như: hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị; hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn, miền núi, hải đảo; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (các trường học, cơ sở đào tạo); hạ tầng kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh (bệnh viện)... cần được bổ sung vào Dự thảo Quy hoạch”, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, báo cáo minh họa cho dự thảo Quy hoạch đã chỉ ra thực trạng động thái dịch chuyển nhân lực giai đoạn vừa qua. 

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Đình Thiên, cần nối kết động thái này với việc phân tích thay đổi cơ cấu kinh tế ngành - vùng để có những nhận xét sâu hơn, thực chất hơn về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về những nội dung liên quan đến cơ cấu kinh tế vùng được nêu tại dự thảo Quy hoạch, đồng chí Trần Đình Thiên cho rằng cần có sự khái quát cao hơn về xu thế dịch chuyển cấu trúc kinh tế vùng. 

Theo đó, sự suy giảm tỷ trọng cơ cấu và xu thế tương đối “tụt hậu phát triển” của vùng Đông Nam Bộ là vấn đề đáng được quan tâm làm rõ hơn ở tầm quốc gia. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng công nghiệp 10 năm qua của vùng này đạt thấp (chưa bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng công nghiệp của vùng Đồng bằng Sông Hồng, chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước).

"Đây thực sự là vấn đề rất lớn, nên có thêm những đánh giá, nhận xét sâu, khái quát. Việc bổ sung như vậy sẽ giúp có thêm cơ sở để làm phong phú, thực chất hơn, rõ hơn các đánh giá, nhận định và nguyên nhân ở tầm quy hoạch chiến lược”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh./.

(baochinhphu.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất