Ngày
20-21/9, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội
nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng
giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em"
trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số & miền núi giai đoạn 2021 - 2030", giai đoạn
I: từ năm 2021 đến 2025.
Dự án nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thúc đẩy quyền, trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững...
|
Quang cảnh hội nghị ngày 20/9
|
Dự án được thiết kế chú trọng 04 nội dung can thiệp:
(1)Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em;
(2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em;
(3) Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số;
(4) Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng;
Dự án 8 đã xác định 08 chỉ tiêu cốt lõi trong giai đoạn 1 và giao cụ thể cho từng địa phương đảm nhận, gồm:
+ 9.000 Tổ truyền thông cộng đồng;
+ 3.000 Tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản;
+ 1.000 Địa chỉ tin cậy cộng đồng;
+ 1.800 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi được củng cố/hoặc thành lập mới tại cộng đồng;
+ 500 tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ tham gia quản lý được hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường;
+ 80% phụ nữ DTTS có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn;
+ 4.400 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại địa bàn đặc biệt khó khăn;
+ 2.000 cán bộ nữ DTTS được nâng cao năng lực phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, Dự án 8 đề cập đến những vấn đề không mới nhưng cần có cách tiếp cận và giải pháp thực hiện mới, sự vào cuộc quyết liệt, khoa học, hiệu quả của nhiều ngành, nhiều cấp để nâng cao hiệu quả các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số & miền núi.
Tại Hội nghị, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã hướng dẫn triển khai Dự án 8 tới các bộ, ngành và địa phương để thống nhất nhận thức, quan điểm, cách làm; chia sẻ, cập nhật tiến độ, những khó khăn/vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án tại địa phương; thảo luận các giải pháp phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn/vướng mắc tại các cấp; thảo luận các giải pháp thúc đẩy tiến độ triển khai các hoạt động của Dự án...; qua đó giúp TƯ Hội LHPN Việt Nam và Ban Điều hành Dự án TW chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, thành công.
(phunuvietnam.vn)