Thứ Hai, 7/10/2024
Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Lào - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển năm 2022
 

Quang cảnh Hội nghị


Tham dự Hội nghị về phía Việt Nam có đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam; Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào; Chủ tịch - Phó Chủ tịch MTTQ 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào và lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Về phía Lào có ông Khampheuy Bouddavieng, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; ông Chanpheng Soutthivong, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; lãnh đạo Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh Savannakhet; Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng; Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước 10 tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam và lãnh đạo các ban, đơn vị của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước.

Gìn giữ, củng cố mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu khẳng định, sau 5 năm ký kết, các nội dung Thông cáo chung xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển năm 2017 được hai bên quan tâm triển khai thực hiện và đạt được kết quả thiết thực. Nội dung hợp tác ngày càng thực chất, sâu rộng, hiệu quả hơn và không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Để mở rộng giao lưu hữu nghị nhân dân giữa MTTQ Việt Nam và Mặt trận Lào xây dựng Đất nước, từ năm 2017 đến năm 2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 5 đoàn đại biểu cấp cao sang thăm và làm việc tại Lào; 33 lần cử lãnh đạo MTTQ Việt Nam tham gia Đoàn cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước sang thăm và làm việc tại Lào. Đồng thời đón 11 Đoàn đại biểu cấp cao Mặt trận Lào xây dựng đất nước sang thăm hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm công tác và các đoàn sang nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm công tác Mặt trận với UBTƯ MTTQ Việt Nam. Từ năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc cố gắng duy trì các chuyến thăm trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp, Mặt trận hai nước đã duy trì quan hệ hợp tác thông qua các kênh tiếp xúc đa dạng, như các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế.

Tại địa phương, Mặt trận các tỉnh có chung đường biên giới hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn cán bộ với các hoạt động cụ thể hết sức sinh động, thiết thực. Việc tổ chức hội đàm luân phiên, ký kết và triển khai thực hiện Biên bản Ghi nhớ được Mặt trận các tỉnh chung đường biên giới hai nước luôn quan tâm thực hiện và đạt kết quả cao. Mặt trận địa phương Hai bên đã thực hiện tốt các nội dung đề ra, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh trong xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị cùng phát triển. Bên cạnh đó, việc kết nghĩa huyện - huyện, xã - xã và thôn bản hai bên biên giới tiếp tục được duy trì, mở rộng và triển khai hiệu quả.

Tại Hội nghị, ông Khampheuy Bouddavieng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước khẳng định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước cũng như Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước 10 tỉnh đã tích cực thúc đẩy tổ chức thực hiện thông cáo chung và luật thi đua của Hội nghị xây dựng đường biên giới hữu nghị Lào - Việt Nam lần thứ 6, thường xuyên phối hợp với các Bộ ban ngành - các tổ chức và chính quyền địa phương.

Trong đó, Mặt trận Lào xây dựng đất nước 10 tỉnh của Lào lấy đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, quy chế khu vực biên giới của hai chính phủ cũng như hợp đồng hợp tác và thông cáo chung của Hội nghị xây dựng biên giới hữu nghị lần thứ 6, tháng 7 năm 2017 tại tỉnh Quảng Bình vào trong công tác quản lý biên giới, chỉ đạo các phòng trong tỉnh và huyện có chung biên giới với Việt Nam vào trong công tác tuyên truyền, huy động nhân dân về nhận thực và tham gia công tác tổ chức thực hiện những nội dung của Hội nghị. Các tỉnh có chung đường biên giới Lào – Việt Nam đã thường xuyên thảo luận về tình hình quản lý biên giới, cùng nhau bảo vệ cột mốc và an ninh khu vực biên giới, tạo điều kiện phát triển đời sống nhân dân hai phía biên giới; cùng nhau giải quyết các vấn đề tại khu vực biên giới một cách sáng tạo.

Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị vùng biên giới

Trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, thống nhất phương hướng và kế hoạch xây dựng đường biên giới hữu nghị Lào - Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, hai bên tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để mọi người dân, đặc biệt với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên của hai nước hiểu biết sâu sắc hơn, tự hào về lịch sử quan hệ tốt đẹp, trong sáng, mẫu mực, thủy chung, đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào, qua đó có trách nhiệm giữ gìn và vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ vô giá này; tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân vùng biên giới hai nước về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của hai Đảng, hai Nhà nước; phổ biến rộng rãi thông tin về các chương trình, hoạt động hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị nói riêng, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển của mỗi nước.

Mặt trận của 10 tỉnh có chung đường biên giới giữa hai nước đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân phát huy vai trò làm chủ đất nước, quê hương, tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo; chăm lo việc học tập của trẻ em trong độ tuổi đến trường, không để các cháu bị thất học; khắc phục tình trạng mê tín, cúng bái khi ốm đau, không để người ốm không được đến các cơ sở y tế thăm khám, chữa bệnh; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân khu vực biên giới, kiến nghị thực hiện có hiệu quả các chương trình kết nghĩa giữa các đồn biên phòng, giữa các thôn, bản, xã, phường, huyện hai bên biên giới mà được cấp ủy, chính quyền địa phương phê duyệt.

Nội dung thông cáo chung cũng nêu rõ, hai bên tiếp tục vận động, khuyến khích và làm cầu nối cho các doanh nghiệp, doanh nhân hai nước đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, khu kinh tế, trung tâm thương mại tại các cửa khẩu, lối mở, các công trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch để khai thác tuyến du lịch giữa hai nước nhất là phát triển các tour du lịch tại các tỉnh biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tạo công ăn, việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định cho nhân dân khu vực biên giới của hai nước; đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam, hàng Lào chất lượng cao về khu vực biên giới để cung cấp cho nhân dân các thôn, bản, xã, phường, huyện của các tỉnh giáp biên giới nhằm đảm bảo sức khỏe và lợi ích kinh tế cho nhân dân vùng biên; định kỳ hằng năm tổ chức hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm chất lượng cao của hai nước tại khu vực biên giới có nhiều dân cư sinh sống.

Tại Hội nghị, căn cứ Thông cáo chung được hai tổ chức Mặt trận nhất trí thông qua, đại diện lãnh đạo Mặt trận 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào có chung đường biên giới giữa hai nước đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và thống nhất ký kết Bản Giao ước thi đua nhằm triển khai các nội dung của Thông cáo chung.

Tô thắm lịch sử quan hệ đặc biệt, trong sáng, sâu sắc tình anh em Việt Nam - Lào

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị, từ nội dung của Thông cáo chung, hai tổ chức Mặt trận cần tuyên truyền sâu rộng về kết quả Hội nghị trên báo chí, các phương tiện truyền thông của mỗi nước và ở các địa phương để cán bộ, đảng viên và nhân dânViệt Nam, nhân dân Lào biết, hiểu về hoạt động của Mặt trận hai nước từ đó tích cực tham gia các hoạt động do Mặt trận tổ chức, góp phần thực hiện thắng lợi Thông cáo chung của Mặt trận hai nước giai đoạn 2022 - 2025; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, mới mẻ; tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), góp phần tăng cường tình hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Cùng với đó, Mặt trận các địa phương của hai nước đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương để thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Thông cáo chung. Tăng cường thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa Mặt trận hai nước và Mặt trận các tỉnh giáp biên trong công tác Mặt trận, tích cực tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nhân dân khu vực biên giới nhận thức đúng về biên giới, thực hiện tốt quy chế, hiệp ước, hiệp định về biên giới; nhận thức được việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và giữ vững ổn định chính trị tại địa phương; đồng thời cảnh giác, phát hiện ngăn chặn kịp thời những âm mưu, hành động phá hoại, gây mất ổn định của các phần tử xấu, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Mặt trận, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới vững mạnh.

Đồng chí Lê Tiến Châu tin tưởng, từ những nội dung thiết thực được Hội nghị thông qua, Mặt trận hai nước sẽ góp phần tô thắm lịch sử quan hệ đặc biệt, trong sáng, sâu sắc tình anh em

Trước đó, Đoàn đại biểu hai nước tham dự Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Lào - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển năm 2022 đã đến dâng hoa tại Đài tưởng niệm Kaysone Phomvihane tại tỉnh Savannakhet, nước CHDCND Lào.

(tapchimattran.vn)

Gửi cho bạn bè