Thứ Năm, 28/11/2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cùng các điển hình tiên tiến
 trong phát triển nông nghiệp hữu cơ tại buổi lễ

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thông tin, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) được thành lập theo Quyết định 1820/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 31/10/2011. Suốt 10 năm qua, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã vận động hàng nghìn hội viên, có nhiều văn bản tư vấn, đề xuất cơ chế chính sách với các Bộ, ngành và kết quả đã được Bộ NN-PTNT, Chính phủ cụ thể hóa bằng chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Suốt thời gian 10 năm hình thành và phát triển, VOAA đã vận động hàng nghìn hội viên, có nhiều văn bản tư vấn, đề xuất cơ chế chính sách với các bộ, ngành và kết quả đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ cụ thể hóa bằng chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.


TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Theo thống kế, đến nay, có 62 tỉnh, thành tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ (năm 2018: 46 tỉnh; năm 2021: 57 tỉnh). 

Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng trên 174.351 ha (tăng 47% so với năm 2016); các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo, có khoảng 17.174 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến có khoảng 555 đơn vị; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 - 2016.

Sản phẩm hữu cơ được cộng đồng xã hội tin dùng và hưởng ứng ngày càng tăng cao. Một số sản phẩm hữu cơ như gạo, thủy sản, chè, sữa, gia vị, dừa… đã có chứng nhận quốc tế và xuất khẩu tới thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Xuất hiện nhiều điển hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy mô lớn, bài bản theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối, tiêu dùng như Tập đoàn TH, Vinamit, Vinamilk, Quế Lâm, Vinasamex…

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho biết, theo thống kê của IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ), tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay đã tăng 4 lần so với trước. Theo dự báo khoảng 3 năm nữa sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra và đến năm 2030 sẽ vượt kế hoạch là 2% về diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhấn mạnh, VOAA luôn là một mái nhà chung cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có tâm huyết sản xuất và sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, là cầu nối liên kết với các tổ chức, các địa phương, đồng thời có trách nhiệm thúc đẩy thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ.


 Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Đỗ Văn Chiến biểu dương những thành tích mà Hiệp hội đã đạt được trong suốt thời gian qua. Đồng chí khẳng định, 10 năm là một chặng đường phấn đấu với vô vàn những khó khăn, thách thức chưa phải dài, nhưng có ý nghĩa bước ngoặt lịch sử - đặt nền móng cho nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam từng bước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, nhân văn của xã hội đương đại.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đó là phương thức sản xuất bền vững, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định “ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ”. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ. Việc cụ thể hóa các mục tiêu này sẽ góp phần đưa Việt Nam có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến thế giới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong những năm qua, cùng các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, người dân đã dần lan tỏa phương cách sản xuất mới - nông nghiệp hữu cơ trong thực tế. Hiện cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 14 tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, hàng trăm tập thể, cá nhân tâm huyết đi đầu áp dụng nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từ đó thay đổi hành vi, có thói quen áp dụng sản xuất hữu cơ, sử dụng sản phẩm sạch; ; lên án mạnh mẽ, tẩy chay các sản phẩm bảo không đảm chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, tạo cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất sản không không an toàn, sử dụng chất độc hại

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao tặng 16 cúp vàng, 18 cúp bạc cùng 80 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền nông nghiệp hữu cơ toàn quốc trong suốt thời gian qua./.

Hoàng Phong

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất