Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Dân tộc cùng 50 cá nhân đại diện cho hàng nghìn người uy tín tiêu biểu là người dân tộc M’Nông, Ê Đê, Tày, Thái, Kinh, Bhana, Xơ Đăng, Rơ Ngao, Gia Rai, Hà Lăng, Sơ Rá, Mạ, Hoa, Cơ Ho, Chu Ru trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng.
|
Quang cảnh Hội nghị
|
Sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình thức vận động, tập hợp quần chúng nhân dân
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với công tác dân tộc, nhất là hướng mạnh về cơ sở. Từ nhu cầu thực tiễn của công tác dân tộc, MTTQ các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc tới đồng bào các DTTS; phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội; đề cao vai trò và vị trí, trách nhiệm của đồng bào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong chiến lược phát triển đất nước.
Theo đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, thực hiện nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, MTTQ các tỉnh có đồng bào DTTS sinh sống, trong đó có các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã vận dụng cụ thể vào tình hình của từng địa phương, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào DTTS sinh sống ở 463 huyện, 5.453 xã và gần 50 ngàn khu dân cư thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Tiêu biểu, MTTQ các cấp ở vùng đồng bào DTTS đã tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tập hợp, vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mang tính sâu rộng toàn dân, toàn diện, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”… đạt được những kết quả tích cực trên cơ sở hướng địa bàn khu dân cư. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã được sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư.
“Nhiều nơi, MTTQ đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao về cả chất và lượng. Các hoạt động cứu trợ, xã hội, nhân đạo, từ thiện, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt coi trọng”, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, đời sống, lao động sản xuất của đồng bào các DTTS và miền núi còn một số tồn tại như phần lớn đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới nên việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng giao thông, thông tin văn hóa, xã hội còn hạn chế; một bộ phận đồng bào nhận thức chưa đầy đủ về chính trị - xã hội, ý thức chấp hành và thủ pháp luật còn nhiều vấn đề đáng quan tâm,…
"Chính vì vậy, Hội nghị tiếp xúc với đại diện đồng bào DTTS các tỉnh khu vực Tây Nguyên là dịp để Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đồng bào đối với quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các chương trình kinh tế - xã hội hiện đang triển khai ở địa phương nhằm tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống MTTQ các cấp; vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, từ đó tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh, với Đảng và Nhà nước.", đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Những ý kiến tâm huyết xuất phát từ thực tế
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; kinh nghiệm hoạt động của người có uy tín tiêu biểu. Các ý kiến, đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, MTTQ đề nghị tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh trật tự; những khó khăn bất cập khi triển khai các chính sách của Nhà nước ở địa phương.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự cũng kiến nghị về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để bà con không bán đất, đổi lấy lương thực; mong muốn các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động người DTTS. Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên, xóa bỏ tình trạng "vùng trũng nguồn nhân lực".
Đại biểu tham dự cũng kiến nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Có cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào DTTS; có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, chợ truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc vừa là nơi giao thương, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch…
Đổi mới cách tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS
Tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ với những mong muốn của những người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 5 tỉnh Tây Nguyên; đồng thời khẳng định, MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp để kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan làm công tác dân tộc để phản ánh, báo cáo, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của bà con, từ đó góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung.
Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Đảng, Nhà nước đã khẳng định Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Khi nói đến Tây Nguyên, thông thường sẽ đề cập đến 3 thứ: đại ngàn Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên và lòng dân Tây Nguyên.
“Bởi vậy nhiệm vụ của chúng ta là làm sao phải nắm vững cho được nhiều thứ, trong đó có 3 thứ vừa đề cập. Với ý nghĩa đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới cách tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS miền núi nói chung và từng vùng nói riêng”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Nhắc đến bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi và căn dặn đồng bào các dân tộc: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”, đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định, lời dạy của Bác cần tiếp tục được khắc ghi và nhắc nhớ lại hàng nghìn lần nữa.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết, Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Đến thời điểm này, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang từng bước hoàn thiện, bao phủ toàn diện các mặt của đời sống của đồng bào. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã dành sự quan tâm rất đặc biệt cho vùng đồng bào DTTS và miền núi thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án.
Về cơ bản, vốn của các chương trình, dự án đã được phân bổ xong, mục tiêu hiện nay là giám sát vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án đúng mục đích, hiệu quả, bà con nhân dân được thụ hưởng, do đó, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị các già làng, người có uy tín vùng Tây Nguyên sẽ phản ánh trực tiếp những vấn đề liên quan thông qua các kênh tiếp xúc với đại biểu Quốc hội để có sự điều chỉnh phù hợp.
“Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đầy đủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng các cơ quan chức năng và các già làng, người có uy tín cần phát huy vai trò giám sát, triển khai thực hiện thật hiệu quả trong thực tiễn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói khi kết thúc Đại hội XIII của Đảng: Không phải Ðại hội bế mạc là coi như xong. Ðây mới chỉ là bước mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Ðại hội”, đồng chí Đỗ Văn Chiến gợi mở đồng thời đề nghị con em người DTTS phải cố gắng vượt qua chính mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
(tapchimattran.vn)