Thứ Năm, 28/11/2024
Người cao tuổi là lực lượng quan trọng góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
 

Bác Hồ bắt tay hỏi thăm các cụ già khi về thăm Pác Bó, Xuân Tân Sửu 1961.


Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Đảng luôn xác định “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” đã trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và thực sự đã phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để giành thắng lợi trong mỗi thời kỳ lịch sử.

Năm 1941, với tư cách là đại biểu Quốc tế Cộng sản, Bác Hồ triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 tại Khuổi Nậm, Pắc Bó, Cao Bằng. Theo đề nghị của Bác, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc. Một trong những lực lượng đầu tiên Bác nghĩ tới là phụ lão, trong vai trò đầu tàu, dẫn dắt con cháu trong sự nghiệp cứu nước, xây dựng đất nước hưng thịnh. Người luôn coi người cao tuổi là lực lượng quan trọng góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Trong Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão (tháng 6/1941) Người viết: “Trách nhiệm của các phụ lão với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất, phụ lão cứu. Đất nước suy sụp, phụ lão phù trì…”. Người nâng ý nghĩa Hội nghị Diên Hồng thành “Truyền thống Diên Hồng”. Trong bài “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1/10/1960, Bác viết: “Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là chủ trương lớn của Đảng ta, trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 chỉ rõ định hướng chính sách đối với Người cao tuổi: “xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe, quan tâm hơn đến người cao tuổi về y tế, hưởng thụ văn hóa, nhu cầu được thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội, nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước. Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Phát huy vai trò Hội Người cao tuổi Việt Nam”.

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, cả nước hiện có hơn 12,5 triệu người cao tuổi, hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, trong đó có 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; người cao tuổi đóng góp hơn 11 triệu ngày công, gần 3.500 tỷ đồng, hiến 25 triệu mét vuông đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, cơ sở y tế… góp phần xây dựng nông thôn mới. 64% hội viên khuyến học là người cao tuổi; 660.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, hòa giải cơ sở; hơn 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự cơ sở; cung cấp cho lực lượng công an 200.000 nguồn tin có giá trị, giúp đỡ 90.000 người tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp giải quyết có hiệu quả hàng chục nghìn vụ mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân.

Cả nước có hơn 77.000 Câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút hơn 2,5 triệu người cao tuổi tham gia. Đặc biệt, Hội đã thành lập 5.500 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thu hút hơn 275.000 người cao tuổi tham gia. Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong nước, ngoài nước đánh giá cao, đã đoạt Giải nhất “Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh”. Năm 2022 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội VI đánh dấu 10 sự kiện tiêu biểu của Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Hội Người cao tuổi Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, tập hợp và phát triển hơn 10,5 triệu hội viên người cao tuổi, tham gia, đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế, phòng chống tham nhũng tiêu cực, phản biện xã hội; tích cực hưởng ứng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhất là ở cơ sở.

Hội Người cao tuổi các cấp đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ hàng vạn suất quà, xây mới hàng ngàn ngôi nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, chăm sóc người có công với nước. Hằng năm thông qua Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam đã vận động được các nguồn lực xã hội chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn góp phần giảm chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, tạo đồng thuận xã hội, niềm tin uy tín trong nhân dân.

Kịp thời triển khai phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” đã động viên hàng vạn người cao tuổi ở cơ sở tham gia công tác Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, người cao tuổi luôn chủ động tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trung thực, thẳng thắn với trách nhiệm cao trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội tại cơ sở.

Với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, từ nhiều năm nay, người cao tuổi của nước ta được chăm sóc ngày càng tốt hơn; hằng năm có hơn 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; hơn 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; hơn 95% (nhiều địa phương đã hỗ trợ 100%) người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.

Từ “Truyền thống Diên Hồng” cho đến các phong trào, mô hình tiêu biểu “Người cao tuổi mẫu mực”, “Tuổi cao - gương sáng”, “Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Người cao tuổi tham gia xây dựng dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Người cao tuổi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, hiện nay đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của người cao tuổi trong các hoạt động tập hợp lực lượng, góp phần lan tỏa chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình tặng quà người cao tuổi
có hoàn cảnh khó khăn tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh


82 năm Truyền thống Người cao tuổi Việt Nam, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người cao tuổi và tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, đúng như lời Bác Hồ đã nói: “Tuổi cao, ý chí càng cao”.

Người cao tuổi nước ta thực sự là “Vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam”; người cao tuổi của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam không những là những người lao động cần cù, sáng tạo, góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, mà còn là những nhân chứng của lịch sử và rất nhiều người đã trực tiếp góp phần làm nên lịch sử của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Trung ương Đảng tặng cho Người cao tuổi Việt Nam “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 23 đối với người cao tuổi còn một số hạn chế, thách thức. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 23 đối với người cao tuổi ở một số đơn vị còn hạn chế. Nhận thức, tư tưởng của người cao tuổi về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc còn chưa đồng đều, có lúc, có nơi chưa nhất quán. Có trường hợp người cao tuổi chưa thực sự nêu gương, một số cán bộ Hội chưa sâu sát quần chúng nhân dân, chưa phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân từ đó chưa xây dựng được niềm tin, uy tín trong nhân dân.

Một số chính sách, chế độ đối với người cao tuổi còn dàn trải, cào bằng, chưa theo kịp thực tiễn; đời sống một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn cả về vật chất và tinh thần, có trường hợp người cao tuổi bị bạo hành, ngược đãi, do vậy chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, nguồn lực theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Đặc biệt quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nói trên kéo dài hàng trăm năm.

Trước hạn chế, thách thức đó, trong xu thế toàn cầu hóa và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần nâng cao nhận thức, tư tưởng: Người cao tuổi là lực lượng chính trị quan trọng, là nguồn lực để phát triển đất nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời có chủ trương, chính sách, pháp luật và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số và coi người cao tuổi là nguồn lực, trên cơ sở tôn trọng quyền trong quá trình phát triển bền vững.

Từ thực tiễn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, theo chúng tôi, trong thời gian tới các cấp Hội Người cao tuổi cần tiếp tục một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Các cấp Hội chủ động xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình,… Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương, Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác của Hội.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng về công tác người cao tuổi, hoạt động của Hội Người cao tuổi. Nắm bắt kịp thời tư tưởng, đời sống, nguyện vọng của người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các vụ việc ngược đãi, bạo hành người cao tuổi. Chủ động phát hiện, tham gia đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, sự chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ và phát triển hội viên. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn tổ chức và cán bộ Hội; nghiên cứu, đề xuất chính sách, chế độ đối với cán bộ Hội ở các cấp. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội cơ sở; đổi mới nội dung sinh hoạt đáp ứng nhu cầu nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của hội viên và người cao tuổi; thu hút ngày càng đông người cao tuổi tham gia Hội và các phong trào do Hội tổ chức, phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy mạnh mẽ vai trò người cao tuổi tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Người cao tuổi với các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các địa phương góp phần phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi tham gia xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”, phấn đấu để người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, góp phần phát tiếp tục huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong bối cảnh, xu thế mới, để kịp thời ứng phó với quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam, tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phấn đấu người cao tuổi được hưởng tuổi già trong tôn trọng và an sinh xã hội, xin đề xuất, kiến nghị:

Trung ương sớm Tổng kết Chỉ thị 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về Chăm sóc Người cao tuổi và ban hành chủ trương mới về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong tình hình mới.

Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Người cao tuổi Việt Nam; Chính phủ sớm ban hành chính sách người cao tuổi Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2045.

Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi; các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức, tư tưởng về vị trí, vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi và tổ chức Hội Người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Thanh Bình

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương

Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam.


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất