Thứ Sáu, 3/1/2025
281.118 người trẻ tham gia 'Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn': Tiên phong, gương mẫu lan tỏa khát vọng

Điểm cầu chính của Diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn"


Đây là diễn đàn để Ban Bí thư Trung ương Đoàn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong và ngoài nước; đồng thời trao đổi về những giải pháp của Đoàn, Hội, Đội để thực hiện những vấn đề các bạn trẻ đang quan tâm, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Tham gia diễn đàn có các thành viên trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các ban phong trào và Văn phòng Trung ương; Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; Trưởng Ban Thanh niên Quân đội; Trưởng Ban Thanh niên Công an nhân dân, Thành đoàn Hà Nội, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương và một số đại diện Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

3.000 ý kiến được gửi tới

Trung ương Đoàn đã vận hành website doithoai.doanthanhnien.vn để tiếp nhận các câu hỏi của các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã nhận được gần 3.000 các ý kiến, sáng kiến và nguyện vọng của đoàn viên, thanh thiếu niên.

Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn trong cả nước, 22 tổ chức Đoàn, Hội ngoài nước đã đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp với mong muốn giải quyết các vấn đề về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi một cách thiết thực, xây dựng tổ chức Đoàn ngày một vững mạnh, tạo nên sự gắn kết giữa Đoàn và thế hệ trẻ cả trong và ngoài nước.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Trung ương Đoàn... Tổng cộng có tất cả 11.012 điểm cầu trong và ngoài nước tiếp sóng để đoàn viên, thanh niên tham dự chương trình; 281.118 cán bộ đoàn các cấp và đoàn viên, thanh niên theo dõi trực tiếp tại các điểm cầu và hàng triệu đoàn viên, thanh niên theo dõi trên các nền tảng số của Đoàn; có 11.885 trang mạng xã hội chia sẻ trực tiếp diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức với 2 phần. Phần 1: "Phát huy sức trẻ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Phần 2 "Đồng hành, tạo môi trường để thanh thiếu nhi phát triển toàn diện".

Tại diễn đàn. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã lắng nghe và giải đáp tất cả các vấn đề, kiến nghị của đoàn viên, thanh thiếu nhi gửi tới. Thay vì như các năm trước, các câu hỏi được gửi qua email của chương trình và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn sẽ trả lời và gửi qua email cho từng đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Trong suốt thời điểm diễn ra chương trình, các trang mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội cũng đồng thời tiếp nhận các câu hỏi của các bạn đoàn viên, thanh thiếu nhi thông qua bình luận trực tiếp tại bài viết và Ban Bí thư Trung ương Đoàn và tham gia tương tác trực tiếp, trả lời các câu hỏi, kiến nghị của đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Ngoài các câu hỏi được Ban Bí thư Trung ương Đoàn trả lời trực tiếp, các câu hỏi của đoàn viên, thanh thiếu nhi sẽ được trả lời trực tuyến trên website của diễn đàn doithoai.doanthanhnien.vn.

Giải pháp giúp thanh niên tăng cường "sức đề kháng" trước các thông tin xấu, độc

Chia sẻ với các bạn trẻ, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi. Trung ương Đoàn cũng đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai cụ thể, tập trung vào 4 nội dung chính. 

Thứ nhất, mỗi bạn trẻ cần có văn hóa sử dụng mạng xã hội. Hiện, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng, Trung ương Đoàn thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm... giúp các bạn trẻ có đầy đủ kỹ năng để sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả.

Thứ hai là phải tự trang bị, làm phong phú thêm kho tàng kiến thức, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các kế hoạch của Trung ương Đoàn; tham gia tích cực vào hoạt động của Đoàn, Hội. Điều này giúp thanh niên vừa có lý luận, vừa có thực tiễn để có bề dày nhận thức chung. 

Thứ ba, muốn tin tiêu cực ít đi thì phải có sự chung tay giữa các bạn trẻ, lan tỏa những cử chỉ đẹp, lời nói hay, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Cái đẹp, tốt, nghĩa cử hằng ngày bên cạnh chúng ta nhiều lắm, nếu chúng ta cùng thông tin, tiêu cực sẽ ít đi. 

Thứ tư là tuổi trẻ phải thực sự bản lĩnh, phê bình, đấu tranh những cái tiêu cực, cái xấu trên mạng xã hội. Nếu thực hiện đầy đủ những điều trên sẽ có những "lá chắn" vững chắc, "tế bào" khỏe mạnh, có lăng kính để lọc những cái xấu, cái tốt.

Ban tổ chức đã nhận được câu hỏi từ điểm cầu Quảng Ninh muốn gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đoàn từ bạn Nguyễn Mạnh Ninh (đoàn viên Chi đoàn Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh). Bạn Ninh hỏi: Hiện nay, em thấy truyền thông của Đoàn nhắc rất nhiều đến cụm từ chuyển đổi số. Năm 2023 được chọn chủ đề là "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn. Theo em được biết, muốn chuyển đổi số thành công thì trước hết phải có "con người số". Em cũng như các bạn đoàn viên, thanh niên Quảng Ninh rất mong muốn anh chia sẻ với chúng em về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, muốn chuyển đổi số thì phải xây dựng con người làm trong môi trường số. "Chuyển đổi số là thay đổi có tính phá hủy bởi sẽ thay đổi phương thức làm việc cũ. Nếu nhận thức không đúng thì không có quyết tâm hành động", anh Huy nói. 

Theo anh Huy, chuyển đổi số là việc chuyển đổi của con người, chuyển đổi thói quen từ môi trường thực lên môi trường số, nên xây dựng "con người số" là yếu tố quan trọng nhất. Hai vấn đề chính của con người trong chuyển đổi số là nhận thức và năng lực. Phải có nhận thức số, năng lực số mới dẫn đến hành động số. Vì vậy, việc xây dựng "con người số", "thanh niên số" phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nâng cao năng lực số cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên. 

Anh Huy cũng cho biết, Trung ương Đoàn đang xây dựng đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023-2030" trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong môi trường số. 

Anh Nguyễn Thiên Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ, chia sẻ về nội dung đề án và cho biết, hiện có nhiều chương trình nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên; kỳ vọng đề án này sẽ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi. 

Sau phát biểu của anh Tú, anh Huy cho biết thêm, từng đoàn viên, thanh niên phải tham gia vào quá trình này và bản thân đoàn viên, thanh niên tự nâng cao năng lực cho mình thì quá trình chuyển đổi số mới thành công.

Khơi dậy khát vọng vươn lên, tinh thần chia sẻ

Bạn Nguyễn Như Quỳnh (sinh viên tốt nghiệp loại giỏi Học viện Ngoại giao, hiện là sinh viên được nhận học bổng toàn phần của ĐH Quốc gia Singapore) - từ điểm cầu Singapore đã chia sẻ về việc cần hỗ trợ thanh thiếu nhi trong môi trường mạng. Trong đó, Quỳnh cho rằng, tổ chức Đoàn cần bắt đầu nghiên cứu, lên kế hoạch, triển khai các chương trình dành cho thiếu nhi, thanh thiếu niên Việt Nam trong tương tác của các em với công nghệ số nói chung và Internet nói riêng. Tổ chức Đoàn nên chú trọng giải quyết các rủi ro như: Tin giả và tin xấu, độc; bạo lực mạng, bắt nạt mạng, quấy rối tình dục mạng, vì theo kinh nghiệm của Quỳnh, đây là những vấn đề trẻ hay gặp phải nhất. 

Chia sẻ nội dung này, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ tương tác lành mạnh trên không gian mạng là nhiệm vụ rất cấp thiết, cần được toàn xã hội quan tâm. 

"Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý, chia sẻ của bạn để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp về vấn đề này trong thời gian tới", chị Trang nói.

Theo chị Trang, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã triển khai các giải pháp như rất nhiều hoạt động, sân chơi lành mạnh, bổ ích, sáng tạo trên không gian mạng cho các em thiếu nhi. Trong đó, có Liên hoan Tuyên truyền măng non; thi tìm hiểu Luật Trẻ em, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước bằng hình thức trực tuyến ở các cấp; tổ chức các ngày hội sắc màu, cuộc thi vẽ tranh trực tuyến dành cho thiếu nhi; tổ chức các sân chơi tìm hiểu về Bác Hồ, lịch sử dân tộc trên mạng Internet… 

Bên cạnh đó tổ, chức Đoàn và Đội đã tuyên truyền về Luật Trẻ em, triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động sinh hoạt, rèn luyện của các em thiếu nhi; triển khai chương trình "Tuổi trẻ Việt Nam, rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương tai" gắn với ứng dụng "Hướng nghiệp" cho các em học sinh THCS, góp phần trang bị, hoàn thiện kỹ năng cho các em, định hướng về nghề nghiệp và khơi dậy trong các em khát vọng vươn lên, tinh thần chia sẻ, yêu thương với cộng đồng, xã hội. Đồng thời, tổ chức Đoàn, Đội đã phối hợp với các bộ, ngành để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. 

"Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn có nhiều hoạt động phối hợp lên tiếng bảo vệ trẻ em với các trường hợp xâm phạm quyền trẻ em trên môi trường mạng; tham gia mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng", chị Trang cho hay.

Chương trình cũng đã đọc thư của Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Thủy (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) - con gái duy nhất của Anh hùng Liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương, người đã anh dũng hy sinh với lời thề giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng". 

Qua thư gửi tới diễn đàn, chị Trần Thị Thủy đặt câu hỏi: Trong suốt những năm qua, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trên cả nước quan tâm. Thế hệ trẻ bây giờ cũng nắm được giá trị của biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng các biện pháp và nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền. 

Tuy nhiên, để nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương không chỉ đơn thuần là việc bảo vệ lãnh thổ đất nước mà còn là nhiệm vụ, trọng trách của tuổi trẻ hôm nay và mai sau thì Trung ương Đoàn cần có những giải pháp nào để triển khai cụ thể hơn, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác giáo dục, giúp cho các em, các con hiểu rõ hơn nữa về chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; những trọng trách mà các em, các con phải làm để góp phần khẳng định, phát huy và bảo tồn những thành quả mà thế hệ cha ông đã xây dựng và gìn giữ. 

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết trân trọng cảm ơn bức thư của chị Thủy: "Chúng tôi rất xúc động và tiếc là vì lý do công việc, chị Thủy không thể trực tiếp đặt câu hỏi. Tôi cũng xin chia sẻ với chị Thủy về cách làm, giải pháp của Đoàn trong tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Tổ quốc, khơi dậy tinh thần yêu nước và sẵn sàng cống hiến.

Đối với tổ chức Đoàn, Hội, chúng tôi luôn coi tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, khơi dậy tinh thần yêu nước là nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian vừa qua. Đây cũng là một trong 3 phòng trào lớn của Đoàn. 

Trong giải pháp, chúng tôi thống nhất triển khai một giải pháp: Thanh niên xung kích bảo vệ chủ quyền, biển đảo Tổ quốc. Trong đó, hằng năm, Trung ương Đoàn đều tổ chức hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, sinh viên hướng về biển đảo đến các điểm đảo; tổ chức những chuyến tàu ra các đảo, trong đó có Trường Sa để thực hiện công trình tình nguyện. 

Chúng tôi luôn tập trung triển khai các hoạt động này với mong muốn mở rộng quy mô tiếp cận, không chỉ thanh niên, sinh viên trong nước mà có nhiều thanh niên, sinh viên ở nước ngoài cũng có cơ hội tham gia; được tiếp cận các thông tin và có việc làm cụ thể, thiết thực để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Bên cạnh đó, trong tuyên truyền, các cơ quan báo chí của Đoàn luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các hoạt động và tập trung nhất vào các chương trình: Tháng biên giới, Tình nguyện hè… Trung ương Đoàn luôn xác định biển đảo, biên giới là địa bàn trọng tâm để thanh niên, sinh viên được đến trải nghiệm và cống hiến sức trẻ của mình đối với vùng đất là phên giậu của Tổ quốc", Anh Triết nói. 

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cũng chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi đọc thư của bạn Thủy. Tôi đã được tham gia nhiều chuyến công tác đến các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Riêng Trường Sa, tôi đã đến 3 lần, được chứng kiến đời sống trên đảo, tinh thần lạc quan, phấn đấu của các thanh niên dù có những thời điểm căng thẳng. Như anh Nguyễn Minh Triết nói, mỗi chuyến đi đó có hàng trăm bạn trẻ được trải nghiệm đời sống ở các đảo. Đây là những hạt nhân để tuyên truyền về biển, đảo Tổ quốc. Đặc biệt, đối với các chuyến đi Trường Sa, sau khi tham gia và trực tiếp trải nhiệm, các bạn tổ chức rất nhiều câu lạc bộ, sau đó đều có các hoạt động hướng về biển đảo. 

Trung ương Đoàn luôn xác định, tuyên truyền về biển đảo là trách nhiệm chung của mỗi bạn thanh niên để mọi người hiểu và có ý thức cao hơn về ý thức bảo vệ Tổ quốc. Qua đây, tôi cũng kêu gọi, bên cạnh nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, trong mỗi điều kiện của mình, các bạn thanh niên phải có trách nhiệm chủ động trong tuyên truyền về vấn đề bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc".

(baochinhphu.vn) 


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất