Thứ Năm, 28/11/2024
Sức lan tỏa qua 20 năm tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở Nghệ An

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân
tại khối Trung Hòa, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò năm 2016


Hằng năm, có từ 95 - 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức Ngày hội, trong đó có trên 90% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, qua đó người dân có điều kiện gắn kết, gần gũi nhau hơn, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng, nghĩa xóm... Thông qua hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực phát huy vai trò tự quản, sáng tạo của nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Toàn tỉnh đã xây dựng, kiện toàn khoảng hơn 30 loại mô hình tự quản trên các lĩnh vực với 22.471 Tổ tự quản, thực hiện các chương trình an sinh xã hội với trên 2.246 tỷ đồng, đã kịp thời hỗ trợ xây mới và sửa chữa 29.794 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; hỗ trợ mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững cho hơn 2.000 hộ, hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo về phương tiện sản xuất, khám chữa bệnh, học sinh nghèo đến trường... Gần 10 năm qua, 100% hộ nghèo và trên 50% hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đều được nhận quà Tết.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thông qua các hoạt động Ngày hội, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã phát huy vai trò tự quản ở cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hiến đất, tự tháo dỡ công trình, ủng hộ kinh phí, ngày công để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Đến nay, các tầng lớp nhân dân đã đóng góp kinh phí hơn 6.188 tỷ đồng, ủng hộ hơn 6,37 triệu ngày công; hiến hơn 6,8 triệu m2 đất, ủng hộ vật tư, vật liệu, máy móc trên 66,364 tỷ đồng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở 09 đơn vị cấp huyện và 309/411 đơn vị cấp xã (đạt 75,1%), 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp cơ quan văn hóa tổ chức tôn vinh hơn 25.750 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc các cấp, phối hợp vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” với tổng kinh phí hơn 263 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 12.000 căn nhà tình nghĩa, tặng hơn 31.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, người có công. Phong trào xây dựng “mỗi xã 01 sản phẩm” (OCOP) được hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên thường xuyên tuyên truyền, đẩy mạnh thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay, toàn tỉnh có 403 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó: 43 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 359 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 01 sản phẩm 5 sao.

Đặc biệt, năm 2020- 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhân dân ở các khu dân cư đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại địa phương, cơ sở và địa bàn khu dân cư.


Đồng bào dân tộc Thái xóm Bản Cô, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp
trình diễn văn nghệ nhân Ngày hội Đại  đoàn kết toàn dân tộc


Tại tỉnh Nghệ An, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từ đó, giúp người dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ xây dựng, phát triển địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng khu dân cư văn hóa, đoàn kết, văn minh.

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục khẳng định trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn biết dựa vào dân, từ nhân dân để tự đổi mới. Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược, cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết là dịp nhằm tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là dịp để mọi người gắn kết lại với nhau, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và chung nhau “bữa cơm đại đoàn kết”, tạo sự đồng thuận, tăng thêm tình làng nghĩa xóm. Đồng thời, lãnh đạo các cấp và cán bộ, công chức đã trực tiếp gần gũi, nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Qua đó, đề ra những giải pháp nhằm không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy sức mạnh, giá trị văn hóa dân tộc, ý chí quyết tâm tham gia xây dựng quê hương, đất nước của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sinh động về Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, chỉ tập trung vào thời gian tổ chức Ngày hội. Chất lượng tổ chức Ngày hội chưa đồng đều, một số khu dân cư tổ chức Ngày hội còn đơn điệu, nặng về phần lễ nhưng đơn điệu về phần hội nên chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia và tạo chưa tạo được không khí phấn khởi trong cộng đồng dân cư...


Các điển hình xuất sắc trong công tác Mặt trận được khen thưởng tại
Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Nghệ An giai đoạn 2003-2023


Thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về mục đích, ý nghĩa của Ngày hội. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tổ chức Ngày hội theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức; phong phú, đa dạng các hoạt động trong phần Hội nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; góp phần tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp.

Đồng thời, phát huy vai trò tập hợp của MTTQ các cấp, huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị đối với các hoạt động trước, trong và sau Ngày hội; hướng các hoạt động của cấp trên (trung ương, tỉnh, huyện) về khu dân cư khó khăn, đặc thù; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội nhân dịp tổ chức Ngày hội. Duy trì tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” ở khu dân cư và các Tổ tự quản, nhằm thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Bài và ảnh: Trần Thị Thanh Hà

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất