Người lao động không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam - dự và phát biểu chỉ đạo.
Các đồng chí Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội; Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN); Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam đồng chủ trì diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, nhiệm vụ chính của công đoàn là tham gia xây dựng pháp luật. Theo Điều 10 Hiến pháp, chức năng, nhiệm vụ đầu tiên của Công đoàn Việt Nam là đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Để thực hiện tốt được chức năng này thì một trong những phương thức hoạt động là xây dựng và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã xác định việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một biện pháp để bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và có hiệu quả. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu phân tích, giải quyết những vụ việc cụ thể, tình huống thực tế thì đối tượng thụ hưởng rất ít; để rộng hơn về đối tượng, cao hơn về lợi ích thì phải cần xây dựng chính sách, pháp luật.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, thời gian qua, trong việc xây dựng chính sách pháp luật phải hướng tới cách tiếp cận người lao động không chỉ là người thụ hưởng mà còn phải là người trực tiếp, chủ thể xây dựng chính sách. “Muốn đạt được mục tiêu trên, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ, trăn trở của người lao động để quy định trong luật” - đồng chí Ngọ Duy Hiểu nói.
Đa dạng hóa các kênh lấy ý kiến người lao động
Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, ThS. Đỗ Thị Bích Thủy - chuyên gia về Huy động cộng đồng - cho rằng, để ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng của người lao động khi xây dựng chính sách, pháp luật, Công đoàn cần tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; lấy ý kiến chuyên gia trong quá trình giám sát và xây dựng chính sách pháp luật về lao động, đặc biệt trong việc thu thập ý kiến của người lao động và doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức xã hội và nghề nghiệp mở ra cơ hội thu thập ý kiến và thông tin từ nhiều nguồn độc lập.
“Điều này giúp công đoàn có cái nhìn đa chiều và chính xác hơn về tình hình lao động và doanh nghiệp. Các tổ chức xã hội và nghề nghiệp thường có trong đội ngũ của họ những chuyên gia và người tư vấn có kinh nghiệm. Sự hợp tác này giúp công đoàn có được sự hỗ trợ chuyên môn, từ đó làm tăng khả năng hiệu quả của quá trình giám sát và xây dựng chính sách” - ThS. Đỗ Thị Bích Thủy nói.
Ngoài ra, theo ThS. Đỗ Thị Bích Thủy, việc phối hợp với các tổ chức xã hội và nghề nghiệp cũng giúp tăng phạm vi tiếp cận với người lao động và doanh nghiệp, do có những người lao động và doanh nghiệp hoạt động tích cực trong các tổ chức xã hội và nghề nghiệp hơn trong các tổ chức công đoàn.
Cùng chung ý kiến, đại diện LĐLĐ tỉnh Hà Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn, cần tham vấn và thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia cùng tổ chức Công đoàn trong việc xử lý các đề xuất, các ý kiến góp ý, nguyện vọng của người lao động thành các nội dung cụ thể kiến nghị vào xây dựng chính sách, pháp luật lao động.
Ngoài ra, tiếp tục tham mưu tổ chức tốt các hoạt động, các diễn đàn của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp đối thoại, tiếp xúc với đoàn viên, người lao động để tiếng nói, nguyện vọng của người lao động trực tiếp liên quan đến công tác xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật lao động đến với Đảng, Nhà nước.
Không chỉ vậy, cần tiếp tục thực hiện việc đa dạng hóa các hình thức, các kênh thông tin của tổ chức công đoàn để lấy ý kiến của đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; nhất là nội dung các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động.
Hơn nữa, cần quan tâm và thực hiện tốt công tác tham gia giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn trong việc góp ý vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn...
Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, các ý kiến tại diễn đàn chuyên đề vừa phục vụ việc hoàn thiện văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, vừa là cẩm nang trong thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách pháp luật để bảo đảm quyền lợi người lao động trong thời gian tới.
Diễn đàn số 1: Chủ đề thảo luận: “Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở”.
Diễn đàn số 2: Chủ đề thảo luận “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động”.
Diễn đàn số 3: Chủ đề thảo luận “Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc”.
Diễn đàn số 4: Chủ đề thảo luận “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động”.
Diễn đàn số 5: Chủ đề thảo luận “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn”.
Diễn đàn số 6: Chủ đề thảo luận “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động công đoàn”.
Diễn đàn số 7: Chủ đề thảo luận “Nâng cao chất lượng công tác nữ công; bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc”.
Diễn đàn số 8: Chủ đề thảo luận: “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Diễn đàn số 9: Chủ đề thảo luận: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại công đoàn, phát huy vai trò công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế”.
Diễn đàn số 10: Chủ đề thảo luận: “Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân”.
(laodong.vn)