Thứ Năm, 2/5/2024
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập

Tham dự có đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và hội người mù các tỉnh, thành phố.


Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội khẳng định: Ngày 17/4/1969 là mốc son, dấu ấn lịch sử, bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của người mù Việt Nam. Hội ra đời nhằm tập hợp người mù trên cả nước tham gia vào tổ chức Hội để được chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần. Được học chữ, học nghề, tạo việc làm, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao… đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn đối với người mù của cộng đồng xã hội.

Đồng chí Phạm Viết Thu cũng chia sẻ: Lễ kỷ niệm cũng là ngày hội lớn của người mù Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp tốt để các thế hệ cán bộ, hội viên tiêu biểu tham gia trực tiếp, trực tuyến ôn lại những kết quả, thành tích trong suốt chặng đường 55 năm hoạt động hội, thể hiện một quyết tâm cao tiếp tục đoàn kết đẩy mạnh toàn diện các mặt hoạt động, ngày càng đi vào chiều sâu, đa dạng và phong phú, đạt nhiều hiệu quả, góp phần xây dựng Hội ngày càng phát triển nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống hội viên để thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội của Nhà nước.

Diễn văn ôn lại truyền thống 55 năm ngày thành lập của Hội do đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội trình bày một lần nữa khẳng định: Sự ra đời của Hội là một dấu ấn lịch sử, một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc của người mù. Hội đã thực sự là mái nhà chung, chỗ dựa tin cậy của người mù cả nước.

Với phương châm tự thân vận động, sự nghiệp của Hội phải do cán bộ, hội viên xây dựng nên, lấy con đường văn hoá, mở các lớp dạy chữ, dạy nghề để tập hợp hội viên, thành lập các tổ chức cơ sở, lấy lao động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống người mù; đến nay, Hội đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với 58 tỉnh, thành có tổ chức Hội (trong đó có 4 đơn vị là thành viên liên kết), 426 Quận, Huyện hội, 532 Hội xã, phường, 3.124 Chi hội và 72.714 hội viên.

Hội đang quản lí 384 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với hơn 4.000 lao động từ các mặt hàng thủ công mĩ nghệ, văn phòng phẩm, đồ gỗ, xoa bóp bấm huyệt... Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của người lao động ngày càng tăng. Có đơn vị đã có hàng thủ công xuất khẩu. Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992, đến nay, Hội đang quản lí số vốn vay hơn 52,6 tỉ đồng theo kênh Trung ương và 18,7 tỉ đồng kênh địa phương. Hàng vạn Hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lí nhà nước đánh giá cao.

Cùng với những chính sách an sinh xã hội của nhà nước, Hội còn vận động sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước làm hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương, giếng nước sạch, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp, trao quà trị giá hàng trăm tỉ đồng cho người mù nghèo, ốm đau, hoạn nạn hay khi tết đến xuân về.

Công tác phụ nữ, trẻ em được Hội triển khai có hiệu quả qua các chương trình: Chung tay hỗ trợ “mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở, chương trình tặng quà, trợ cấp khó khăn, các buổi gặp mặt, giao lưu, tập huấn, hội thảo, diễn đàn, hội thi… đã giúp chị em và các cháu có thêm kiến thức, kĩ năng, tự tin thể hiện khả năng, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình với tổ chức Hội và cộng đồng.

Trong công tác đối ngoại, Hội đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị và các kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các tổ chức quốc tế như: Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Anh; Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc; Hội Người mù các nước: Liên Xô, Đức, Hội tàn tật thị lực Thụy Điển, Hội Người mù và kém mắt Na Uy, Liên đoàn công dân mù Australia, cùng các tổ chức phi Chính phủ tại Hàn Quốc, Mĩ, Phần Lan...

Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động năm 2019 đã mang đến hơn 28.650 cây gậy trắng cho người mù trong cả nước cùng nhiều lớp tập huấn sử dụng gậy được tổ chức, giúp người mù đi lại an toàn, chủ động, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chung tay cùng các cơ quan quản lí Nhà nước đưa Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố năm 2023. Hội còn tích cực giúp đỡ Hội Người mù Lào về đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức và kinh nghiệm hoạt động; tích cực tham gia và đạt kết quả cao trong các cuộc thi quốc tế. Không chỉ tham dự và đóng góp ý kiến tại nhiều hội thảo, diễn đàn trong khu vực và thế giới, các sự kiện quốc tế lớn được Hội tổ chức thành công như: Chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN” năm 2022, Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 16 năm 2023 đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương  ghi nhận những đóng góp mà Hội, có được những kết quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó vươn lên của cán bộ, hội viên, những chủ trương, chính sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật nói chung và sự quan tâm dành cho tổ chức Hội nói riêng; đặc biệt là Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng khóa VI năm 1989 về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam, Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng khóa XII năm 2019 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật được cụ thể hóa bằng các văn bản của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Đồng chí Triệu Tài Vinh cũng mong muốn, trong giai đoạn tới, các cấp Hội cần tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gắn hoạt động Hội với các chương trình của Nhà nước, của địa phương, huy động nhiều nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mù.

 
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh phát biểu tại lễ kỷ niệm 

 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội” cho 16 cá nhân là các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, giáo viên công tác tại Văn phòng Trung ương Hội và Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù. Trung ương Hội đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù cho 8 cá nhân là lãnh đạo các ban, bộ, ngành vì đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ Hội hoạt động trong nhiều năm qua.

 
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh và
16 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội”
 

 

Nhân lễ kỷ niệm, Trung ương Hội đã tổng kết và trao giải cuộc thi Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam.

Cuộc thi đã nhận được 105 bài dự thi, với độ tuổi người tham gia từ 11 đến 82, qua các hình thức thể hiện: bài viết, audio, video; được 29 Tỉnh, Thành hội, Chi hội người mù trực thuộc Trung ương Hội lựa chọn gửi về Ban Tổ chức. Qua vòng sơ khảo 52 bài dự thi chất lượng lọt vào vòng chung khảo đã được đăng tải phần tự luận lên trang Fanpage của Hội để khán giả, cán bộ, hội viên đọc, nghe, xem và bình chọn.

Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 3 giải nhì, 6 giải ba, 15 giải khuyến khích và 1 giải bài viết được yêu thích nhất.

(hnmvn.vn)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác