Thứ Năm, 26/12/2024
Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong thời kỳ già hóa dân số ở nước ta hiện nay

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam

Đảng, Nhà nước luôn coi trọng công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là đạo lý của dân tộc; là tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đạo đức người Việt Nam, góp phần vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa".

Thực hiện các quan điểm,chủ trương đường lối của Đảng về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến người cao tuổi như: tại Khoản 3, Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: “Người cao tuổi được nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Khoản 2, Điều 59, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Nhà nước đã ban hành Luật Người cao tuổi năm 2009 và dành toàn bộ Chương II quy định về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi. Tại Khoản 2, Điều 71, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”; Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân quy định: “Người cao tuổi được ưu tiên khám, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khỏe của mình”; Khoản 2, Điều 40, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người tử tù đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử”…

Việc hiến định trong Hiến pháp, Luật, Nghị định và các văn bản của Nhà nước đối với người cao tuổi là cơ sở pháp lý quan trọng, là căn cứ để các cấp chính quyền, các ngành, các cấp Hội Người cao tuổi đẩy mạnh công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi. Với những chính sách chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao trong việc xây dựng, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, phù hợp với Công ước Quốc tế về người cao tuổi mà Việt Nam đã tham gia. Việt Nam cũng là quốc gia thực hiện tốt, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) 2015 của Liên hợp quốc. Đặc biệt thời gian vừa qua, Hội người cao tuổi các cấp đã xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau rộng khắp cả nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong khu vực.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có gần 12 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17% tổng số người cao tuổi); có khoảng hơn 7 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 41,9%); có khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng, chiếm 27,1% tổng số người cao tuổi (trong đó người cao tuổi hưởng lương hưu là 1,8 triệu người, chiếm 15,8% tổng số người cao tuổi); có khoảng gần 1,7 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng (chiếm 14,8% tổng số người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng chính sách người có công (chiếm 12,3%). Theo dự báo, đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số và nước ta sẽ sớm bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Thực hiện công tác chăm sóc người cao tuổi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho người cao tuổi nhằm thực hiện tốt công tác trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng theo mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi như: Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện trợ cấp cho người đủ 60 - 80 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, không có người thân đang hưởng trợ cấp xã hội 540.000đ/tháng. Người đủ 80 tuổi trở lên, thuộc diện hộ nghèo, không có người thân được hưởng trợ cấp xã hội 720.000đ/tháng. Người đủ 75 - 80 tuổi, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sống ở xã đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn được trợ cấp 360.000đ/tháng. Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không đủ điều kiện sống ở cộng đồng, không có người chăm sóc, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi, chăm sóc tại cộng đồng được trợ cấp 1.080.000đ/tháng. Ngoài ra, người cao tuổi còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác như: được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được ưu tiên khám, chữa bệnh, được giảm giá vé, giá dịch vụ… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 544/QĐ-TTg ngày 25/4/2014, quy định hàng năm lấy tháng 10 là tháng hành động vì Người cao tuổi; đồng thời, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Thực hiện công tác phát huy vai trò của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam các cấp đã phát huy tốt vai trò là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước. Hội đã chủ động, tích cực tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác Hội, về pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi như: Quyết định số 1336/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025, Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam, Chương trình quốc gia về người cao tuổi; chế độ bảo trợ xã hội, BHYT… tạo điều kiện để công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ngày càng được đẩy mạnh. Hội Người cao tuổi luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác chăm sóc người cao tuổi: Tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi, thăm hỏi, giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi từ cơ sở. Hiện Hội đã thu hút được trên 9,7 triệu hội viên tham gia, chiếm gần 90% tổng số gần 12 triệu người cao tuổi cả nước.


 Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Các cấp Hội Người cao tuổi Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt trong công tác phát huy vai trò của người cao tuổi thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi”; phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, “Triệu áo ấm cho Người cao tuổi”; “Mắt sáng cho Người cao tuổi”; “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Người cao tuổi tham gia phòng, chống tội phạm”; “Người cao tuổi tham gia bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo”; “Người cao tuổi rèn luyện sức khỏe”… đã xây dựng được gần 3.500 câu lạc bộ, thu hút 650.000 người cao tuổi tham gia theo khả năng và sở thích, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

Hiện có khoảng hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, trong đó có gần 100.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; gần 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi, góp phần đáng kể trong xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt với uy tín kinh nghiệm của mình, khoảng 656.000 người cao tuỏi tham gia công tác đảng, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải ở cơ sở; trên 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở… Trong giai đoạn 2017 - 2022, người cao tuổi trên địa bàn cả nước đã đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công, đóng góp kinh phí, hiến 2,4 triệu m2 đất để xây dựng, sửa chữa đường làng, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng, với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn.

Ghi nhận thành tích và đóng góp trong những năm qua, năm 2001, Hội Người cao tuổi Việt Nam vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Bức trướng thêu 18 chữ “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng cho các thế hệ người cao tuổi Việt Nam (năm 2010) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015).

Thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi là một trong những chính sách lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện rất rõ quan điểm nhân văn, khoa học, tiến bộ đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, việc ban hành, triển khai một số chính sách người cao tuổi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là chưa đón đầu xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới; hiện đa số người cao tuổi không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận cuộc sống phải dựa vào con cháu; nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, 73% không có lương hưu hay trợ cấp BHXH hàng tháng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%; tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi), đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Tỷ lệ người cao tuổi là dân tộc thiểu số chiếm gần 10% thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước. Nhận thức trong một bộ phận gia đình, cộng đồng và một số cấp ủy, chính quyền về người cao tuổi chưa thật sự đầy đủ. Mô hình tổ chức Hội Người Cao tuổi còn chưa đồng bộ, chưa phát huy được tính tự nguyện, tự giác, tự quản, tự chịu kinh phí hoạt động…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các cấp Hội Người cao tuổi cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như:

1. Các bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm về công tác chăm lo người cao tuổi và tổ chức Hội Người cao tuổi; lãnh đạo triển khai có hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các bộ, ngành cần tạo điều kiện cho Hội Người cao tuổi Việt Nam hoạt động thông qua việc thực hiện ký kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án liên quan đến công tác người cao tuổi. Xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với người cao tuổi và chủ trương hỗ trợ nhóm người cao tuổi chưa có BHYT và tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, pháp luật về người cao tuổi. Nghiên cứu, xây dựng các gói chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho người cao tuổi, trong đó có khám định kỳ, theo dõi sức khoẻ thường xuyên; có phương án mua BHYT cho 5% người cao tuổi chưa có thẻ BHYT.

2. Thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu, khảo sát học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ về công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong nước, khu vực và quốc tế; thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021, bảo đảm cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, hạnh phúc. Huy động nguồn lực xã hội hóa, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi. Tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp cận với các dịch vụ khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là ở vùng nông thôn để phát hiện, điều trị sớm nếu có bệnh; thành lập, phát triển các câu lạc bộ bệnh mãn tính; chương trình phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; phát huy vai trò nòng cốt của người cao tuổi trong công tác tuyên truyền vận động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

3. Hội Người cao tuổi các cấp tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”; cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi”; đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”; xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, tăng cường phát triển hội viên; nâng cao chất lượng hoạt động công tác, nhất là các hoạt động của hội cơ sở, các mô hình hoạt động; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò nòng cốt của hội trong phong trào "Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi", phấn đấu để người cao tuổi được sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội.

4. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi để kịp thời thông tin, phản ánh đến các cấp có thẩm quyền giải quyết, khắc phục, tháo gỡ, bảo đảm các quyền lợi của người cao tuổi được thực hiện đầy đủ; tiếp tục khuyến khích người cao tuổi phát huy những kinh nghiệm quý báu, tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự; phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, liên quan đến người cao tuổi; tham gia góp ý và phản biện xã hội trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội./.

HÀ THỊ KHIẾT
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, 
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác