|
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu cam kết phối hợp
trong công tác phòng, chống mua bán người. |
Dự Lễ phát động có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong; Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương.
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân. Tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân hoặc lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt.
Đồng chí Hà Thị Nga nhấn mạnh: Hội LHPN Việt Nam luôn coi trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và thực hiện thông qua vai trò của người mẹ và gia đình. Đó là các hoạt động giáo dục kỹ năng làm cha mẹ; giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; thực hiện chương trình, đề án của Chính phủ để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, qua đó chăm lo nuôi dạy con tốt.
Việc lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em được đầu tư, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, góp phần xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc. Nhiều mô hình có hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em được nghiên cứu xây dựng, thí điểm và nhân rộng.
Cùng với sự chủ động triển khai nhiệm vụ trong hệ thống, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam với các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với ngành Công an trong các hoạt động phòng, chống mua bán người tại cấp Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình mua bán người, mua bán trẻ em sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan, các tỉnh/thành phố, các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng, chống mua bán người.
Đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, người dân về sử dụng mạng xã hội an toàn để giảm thiểu nguy cơ mua bán người, mua bán trẻ em và các loại tội phạm trên không gian mạng; thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu hỗ trợ 80% nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán trở về được tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.
Phát biểu chỉ đạo buổi Lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao Bộ Công an, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người, góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, toàn diện về phòng, chống tội phạm mua bán người. Chính phủ đã xây dựng và triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Những nỗ lực đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng còn diễn biến phức tạp; cách thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Trẻ em, người chưa thành niên tiếp tục là mục tiêu mà tội phạm nhắm tới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác phòng chống, mua bán người ở Việt Nam còn nhiều thách thức và nhiều việc phải làm, nhất là về hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...
Bám sát chủ đề của "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2024 là "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Một là, cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên và kiên trì thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn. Phòng, chống mua bán người cần được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Cần giải quyết tốt những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân. Phát huy hiệu quả vai trò các tổ chức quần chúng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn; nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến tốt với các hình thức phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng; chú trọng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng giúp trẻ em, phụ nữ, người yếu thế nhận diện và tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân, không để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường thời lượng, tần suất, đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền để mỗi người dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người.
Ba là, kịp thời phát hiện nguy cơ từ sớm, từ xa, từ cơ sở; thực hiện quyết liệt các kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng mua bán người. Tăng cường quản lý, chủ động giúp đỡ, giáo dục, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm để trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa không bị lợi dụng, dụ dỗ tham gia các hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Bốn là, tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân và về chế độ, chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc dân tộc ít người, trẻ em mồ côi; triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc "lấy nạn nhân làm trung tâm".
Năm là, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế, nhất là về trao đổi thông tin, xác minh, điều tra các vụ án, truy bắt tội phạm, nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người nói chung và mua bán trẻ em nói riêng.
* Trước đó, sáng cùng ngày, 500 đại biểu đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, thanh niên, hội viên phụ nữ, học sinh và người dân đã tham gia hoạt động ngoài trời "Chạy cổ động" nhằm hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
(phunuvietnam.vn)