Thứ Năm, 26/12/2024
Tìm giải pháp phát triển tổ chức, hoạt động Công đoàn trong tình hình mới
 
Toàn cảnh Hội thảo khoa học. 

 

Hội thảo có sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Hội thảo sẽ tập trung làm rõ thực trạng tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, nhất là sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (những kết quả quan trọng đã đạt được, các hạn chế, bất cập cũng như nguyên nhân trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn).

Trên cơ sở đó, thảo luận, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam; đồng thời, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW trong thời gian tới.

Tại hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi khẳng định, sau hơn 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng.

Trong đó, Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị được tập trung triển khai.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung làm rõ các nhóm vấn đề như: làm rõ giá trị quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tổ chức và hoạt động công đoàn, về vai trò của Công đoàn là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thảo luận và đánh giá quá trình xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách về đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới; đánh giá khách quan thành tựu, hạn chế và vấn đề đặt ra trong tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam hiện nay, nhất là những những vấn đề mới phát sinh khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong đó có cả “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”, nhằm quản lý tốt, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của đoàn viên công đoàn cho sự phát triển của đất nước.

Những vấn đề đặt ra tại hội thảo vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn đối với tổ chức công đoàn; không chỉ là hoạt động sinh hoạt khoa học lớn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024).

Kết quả buổi hội thảo không chỉ có ý nghĩa đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, mà còn là cơ sở, tiền đề để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương, hai trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, tiếp tục củng cố và phát triển những vấn đề lý luận về tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Hình thành những tư duy, định hướng chiến lược mới về đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả, vị trí, vai trò, sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam; để Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh toàn diện, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.

(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác