|
Các điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu”
tham gia giao lưu tại chương trình “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Hội CCB Việt Nam
phối hợp với Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức
|
Đánh thức miền đất khó
Xuất thân từ một gia đình đông con tại vùng quê nghèo ở Cao Bằng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự cuối năm 1990, CCB Hoàng Mạnh Ngọc khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng nhưng đến nay đồng chí đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH xây dựng miền Tây Kolia Cao Bằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân CCB, Cựu Quân nhân tỉnh Cao Bằng, Chủ nhiệm Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Cao Bằng khiến nhiều người cảm phục.
“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo với 8 anh em và hầu hết là quân nhân, sau khi xuất ngũ cuối năm 1990, trong tay chỉ có 120.000 đồng, tôi cũng phải làm qua rất nhiều việc từ xe ôm, bốc vác, làm thuê. Sau đó, tôi nhận ra vùng Phia Oắc, Phia Đén quê mình rất tiềm năng để làm về nông nghiệp sạch và du lịch. Tôi cùng người thân vận động người dân mở đường, kéo điện, khai hoang rừng để trồng chè hữu cơ”, đồng chí Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ.
Để xây dựng mô hình thành công, CCB Hoàng Mạnh Ngọc đã sang các tỉnh lân cận và nước ngoài để học tập kinh nghiệm, đầu tư thiết bị, máy móc nhằm phát triển hệ thống nhà xưởng với quy trình tự động hóa cao, chất lượng đúng tiêu chuẩn. Nhờ đó, sản lượng chè tăng mạnh, đa dạng về chủng loại như: trà xanh thơm, trà ô long, thanh trà, bạch trà, hồng trà, phổ nhĩ. Không dừng lại ở đó, đồng chí Hoàng Mạnh Ngọc tiếp tục nghiên cứu và phát triển thành công mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo với giá trị dinh dưỡng rất cao, đưa vào trồng các loại cây dược liệu bản địa như các dòng sâm thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến, nấm linh chi tự nhiên cùng một số dược liệu khác (cây tam thất, sâm đương quy, sâm ngọc linh, cây cát cánh…).
Được biết, hiện tại Công ty của CCB Hoàng Mạnh Ngọc có tổng 20ha chè, năng suất bình quân đạt 3 - 4 tấn búp chè tươi/ha/năm, cùng với đó là một khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái với diện tích hơn 1ha nằm ngay cạnh khu rừng Trần Hưng Đạo. Công ty có doanh thu bình quân đạt trên 30 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách nhà nước hơn 900 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm hằng năm cho 80 lao động, trong đó có 30 lao động là CCB, con em CCB và gần 100 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/ tháng, qua đó tăng thu nhập cho hội viên CCB và người nông dân trong khu vực, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ
Không chỉ giúp nhau làm kinh tế giỏi, giúp địa phương thoát nghèo mà các cán bộ, hội viên CCB trong cả nước còn làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong các phong trào, hoạt động xã hội chung. Nhiều mô hình phối hợp tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao. Trong đó có mô hình “Ông kể cháu nghe” của tỉnh Phú Thọ.
Đồng chí Bùi Quang Đoát, Chủ tịch Hội CCB huyện Đoan Hùng - tác giả của mô hình rất thành công này cho biết: Năm 2019, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Hội CCB Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Hội CCB huyện tổ chức “Tiếp lửa truyền thống” bằng hình thức sân khấu hóa “Ông kể cháu nghe”, đã thu hút 100% Hội CCB cơ sở và các tầng lớp nhân dân (đông nhất là thanh thiếu niên) tham gia. Liên hoan được tổ chức theo 4 cụm xã, thị trấn với 420 người tham gia biểu diễn (người cao tuổi nhất 83 tuổi, người thấp tuổi nhất 7 tuổi), hơn 37 nghìn lượt người xem. Nội dung xoay quanh kể chuyện về tập thể hoặc cá nhân CCB xưa thắng giặc ngoại xâm, nay thắng lạc hậu, đói nghèo, làm giàu chính đáng.
Từ kinh nghiệm Liên hoan lần thứ nhất vào năm 2019, đến năm 2021 vào dịp chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Liên hoan lần thứ hai với chủ đề “Ông kể cháu nghe về Đảng quang vinh” được tổ chức thành công tốt đẹp. Đại hội đại biểu Hội CCB huyện Đoan Hùng lần thứ VII ra quyết nghị nâng tầm Liên hoan “Ông kể cháu nghe” thành Hội thi “CCB gương mẫu” và được phát động từ ngày 19/7/2022. Hội thi “CCB gương mẫu”, gồm 3 nội dung: Thi nhận thức - Thi thực hành - Thi thực tiễn. Năm 2023, Hội CCB huyện tổ chức Hội thi “CCB gương mẫu” ở cơ sở; dự kiến sẽ tổ chức ở cấp huyện vào năm 2025.
Qua 2 lần liên hoan, mô hình đã được cấp ủy đảng, CCB, Nhân dân, nhất là tuổi trẻ đón nhận, đánh giá cao. Hiện nay mô hình đã được triển khai, phổ biến tại các địa phương trong toàn tỉnh Phú Thọ và được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành cả nước. Qua các câu chuyện giúp các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ được giá trị của hòa bình; khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc để có trách nhiệm hơn với cộng đồng xã hội.
Giữ gìn sự bình yên của thôn, làng
Khi xưa, họ là những người lính anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và ngày nay, họ là những CCB bảo vệ bình yên cho buôn làng quê hương. Tiêu biểu trong số đó là đồng chí Chu Xuân Toàn, Chủ tịch Hội CCB Chư Pưh, tỉnh Gia Lai với nhiều mô hình về đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự đem lại hiệu quả thiết thực.
CCB Chu Xuân Toàn cho biết: Chư Pưh là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Gia Lai, có 74 thôn, làng, trong đó, có tới 53 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như: các thế lực thù địch, phản động FULRO lưu vong không ngừng lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, gây mất ổn định, tạo thành những “điểm nóng” về an ninh chính trị; tình trạng trộm cắp tài sản, vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, ma túy, gây rối trật tự an ninh công cộng... còn xảy ra.
Trước tình hình đó, năm 2019, CCB Chu Xuân Toàn đã cùng Hội CCB Huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang ra mắt mô hình điểm “Tiếng kẻng và ánh sáng Camera an ninh” tại thôn Tao Klăh, xã Ia Rong; triển khai lắp 40 bóng đèn chiếu sáng và 3 cái kẻng tại các trục đường chính của làng. Năm 2020, mô hình được phát triển thành mô hình “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh”. CCB Chu Xuân Toàn và Hội CCB huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng công an nhân rộng mô hình tại 57 thôn, làng; đã vận động lắp đặt trên 460 camera và 3.800 bóng điện chiếu sáng với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng.
Cùng với đó, CCB Chu Xuân Toàn đã tham mưu, chủ trì triển khai và duy trì có hiệu quả mô hình “5 không” (Không theo FULRO, không nghe lời kẻ xấu, không tham gia gây rối biểu tình bạo loạn, không tiếp tế cho địch, không vượt biên trái phép) gắn với mô hình “4 không” (Không vi phạm pháp luật, không gây tai nạn giao thông đường bộ, không nghiện xì ke ma túy, không mại dâm). Đồng thời, xây dựng mô hình “8+1” (8 hội viên giúp đỡ 1 đối tượng trở thành người hoàn lương); trong những năm qua đã giúp đỡ được 64 đối tượng lầm lỡ trở thành công dân tốt.
Đến nay, đã có hơn 8.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 1.300 hợp tác xã và hơn 2.600 tổ hợp tác, hơn 160.000 trang trại, gia trại do CCB làm chủ, bảo đảm việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động, trong đó đa phần là CCB và con em của CCB; đóng góp ngân sách đúng quy định và dành hàng nghìn tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện các mô hình, tình hình an ninh trật tự tại các thôn, làng trên địa bàn huyện Chư Pưh có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện tượng trộm cắp giảm trên 90%; tình trạng uống rượu, bia quậy phá, thanh niên lái xe gắn máy rú ga, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, vi phạm Luật Giao thông đường bộ không còn; các vụ trộm cắp gia súc, gia cầm và cạy cửa nhà dân được chấm dứt; tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư giảm đáng kể…
Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước
Theo đồng chí Thượng tướng Bế Xuân Trường, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, 5 năm qua (2019 - 2024), phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” do Trung ương Hội phát động đã được các cấp Hội chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, tạo động lực cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên CCB phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”, hăng hái thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Phong trào thi đua yêu nước đã hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Hội, mà trọng tâm hàng đầu là tập hợp, vận động CCB phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến từ phong trào đã làm tỏa sáng tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, sống có lý tưởng, hoài bão, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái. Đó là sự tiếp nối xuất sắc chiến công trong những năm tháng quân ngũ và nay khi tuổi đã cao nhưng vẫn vững chí, sáng lòng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Những kết quả tích cực trong phong trào thi đua trong những năm qua của Hội CCB Việt Nam đã góp phần tích cực vào công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng tổ chức hội vững mạnh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc và làm tỏa sáng hơn phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển./.
MAI KHÔI