Thứ Ba, 19/11/2024
Thanh niên nông thôn năng động phát triển kinh tế

Phát huy sức trẻ

Về Bản Cuôn, xã Côn Minh (Na Rì) thăm mô hình kinh tế của anh Lộc Văn Huyến sẽ thấy được sự năng động, dám nghĩ dám làm của người thanh niên trẻ này. Sinh ra ở mảnh đất với loại cây trồng chủ lực là dong riềng, 8 năm trước, khi ở tuổi 22, anh Huyến đã bắt tay vào làm kinh tế. Thiếu vốn, anh mạnh dạn vay mượn anh em bạn bè để đầu tư hệ thống máy xay xát tinh bột dong, mỗi vụ tiêu thụ 500 – 600 tấn dong riềng cho bà con địa phương. Hết mùa dong, anh lại đầu tư nuôi vỗ béo trâu bò, cứ một năm 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Hiện thu nhập của gia đình anh đã ổn định. Anh Huyến tâm niệm "có sức khỏe, có quyết tâm làm giàu thì không gì là không thể". Vào mùa chế biến dong, gia đình anh còn tạo việc làm cho 4 thanh niên địa phương. Ngoài ra, 3ha rừng mỡ của anh đang trên đà phát triển tốt; gia đình còn đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn.


 Mô hình vỗ béo trâu – xay xát dong riềng của anh Lộc Văn Huyến mang lại hiệu quả cao.

Thanh niên Bắc Kạn hiện có hơn 87.000 người, trong đó, thanh niên nông thôn chiếm trên 70%. Trong thời gian qua, hoạt động của Đoàn Thanh niên trên địa bàn nông thôn tiếp tục có những bước chuyển biến tích cực, trong đó chú trọng đến việc tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Toàn tỉnh hiện có gần 250 mô hình kinh tế thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, trong đó có trên 140 mô hình cho thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên và 100 mô hình từ 50 đến dưới 80 triệu đồng.

Xã Đồng Phúc (Ba Bể) là một điểm sáng về xây dựng và phát triển mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Qua công tác định hướng, tuyên truyền của Đoàn, tính tự lực, tự cường, khát vọng làm giàu trong mỗi đoàn viên thanh niên đã được khơi dậy. Hiện xã có 15 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ như: chăn nuôi dê, nuôi gà, lợn thịt, làm bún khô, mô hình tổ hợp tác xây dựng, vận tải xe khách, xe chở vật liệu, mô hình sửa chữa xe máy, sản xuất gạch xi măng, mô hình hàn sắt, nhôm… Tiêu biểu như: mô hình kinh doanh vận tải của anh Ma Văn Huy ở thôn Bản Chán cho thu nhập 300 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi dê, kinh doanh máy xúc của anh Hoàng Văn Phương cho thu nhập 200 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất gạch xi măng của anh Triệu Văn Bền, thôn Tẩn Lượt và Lý Văn Hữu ở thôn Cốc Coọng cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 - 6 lao động; mô hình tổ hợp tác xây dựng của Hoàng Văn Hiểm ở thôn Bản Chán tạo việc làm cho 5 - 7 lao động cho thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng/người…

Hiệu quả vốn vay cho thanh niên

Để thanh niên nông thôn có định hướng đúng đắn và có cơ hội phát triển các mô hình kinh tế, những năm qua, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên trong xây dựng phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án. Tích cực hỗ trợ thanh niên nông thôn mở các lớp tập huấn ngắn hạn về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra các cơ sở đoàn còn tích cực tham gia vào chương trình uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa Đoàn thanh niên và Ngân hàng Chính sách xã hội; tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi. Đến nay các cấp Đoàn thanh niên đang quản lý 269 tổ Tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 210 tỷ đồng với hơn 7.000 hộ vay. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Bắc Kạn còn được Trung ương Đoàn uỷ quyền quản lý hơn 1,9 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, triển khai với 25 dự án, giải quyết việc làm cho gần 130 thanh niên.

 

Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi mà nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn đã xây dựng được mô hình kinh tế có hướng phát triển ổn định, điển hình như mô hình chăn nuôi kết hợp dịch vụ kinh doanh thức ăn gia súc của thanh niên Bùi Văn Thiều ở xã Chu Hương (Ba Bể) với thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả của anh Bàn Văn Sự ở xã Dương Phong (Bạch Thông) thu nhập trên 200 triệu đồng/năm…

Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khoá IX đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 - 2017”, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, mỗi Đoàn cấp xã, phường, thị trấn hỗ trợ xây dựng củng cố ít nhất 03 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập 80 triệu đồng/năm; tăng dư nợ vốn vay uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn thanh niên quản lý thêm 50%. Qua đó tạo động lực để các cấp bộ đoàn nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc định hướng cũng như tạo điều kiện để thanh niên tham gia phát triển kinh tế.

Có thể nói, cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới” đã phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong tham gia các hoạt động tình nguyện và phát triển kinh tế, thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên. Khẳng định vị thế của thanh niên, cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Nguồn: baobackan.org.vn/Thu Hường, 28/6/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi