Trải qua những tháng ngày quân ngũ, những người lính rời tay súng trở về quê hương, tiếp tục cuộc chiến chống cái đói, cái nghèo. “Và chúng tôi đã chiến thắng, người lính không bao giờ thất bại khi chúng tôi có đồng chí, đồng đội”, ông Nguyễn Bá Canh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) rất tự hào khi chia sẻ những việc làm của ông và những người CCB nơi miền đất mới.
Tân Hà, mảnh đất ghi dấu với địa danh Lán Tranh của những người khai hoang mở đất năm xưa, hôm nay là một vùng quê trù phú, bạt ngàn màu cà phê xanh mát. Những người lính sau khi hoàn thành nghĩa vụ với đất nước đã tụ họp về đây, cùng chung tay xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Bá Canh chia sẻ: “Hội chúng tôi có 351 hội viên, có cả các đồng chí đã từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, chống Mỹ, chiến tranh biên giới..., những cựu quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Điều tự hào là toàn thể hội viên không còn hộ nghèo, những hộ khá giả và hộ giàu chiếm đa số. Đoàn kết là sức mạnh của chúng tôi, đồng hành cùng nhau vượt khó xây dựng kinh tế gia đình”.
Ông Canh chia sẻ, cùng với toàn thể lực lượng CCB, Hội CCB Tân Hà xác định việc đầu tư sản xuất, thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đem lại đời sống kinh tế gia đình ổn định là nhiệm vụ quan trọng của Hội. Qua 11 tổ vay vốn và tiết kiệm, 214 hội viên được vay trên 5 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách và xã hội với lãi suất ưu đãi dùng để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, mỗi hội viên đóng góp khoảng 2,5 triệu đồng xây dựng quỹ tương trợ được gần 900 triệu đồng. Số tiền này cũng dành cho hội viên mượn để đầu tư phát triển sản xuất. Không chỉ trợ giúp vốn, việc hỗ trợ cây giống, con giống, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giữa hội viên là chuyện rất bình thường với CCB xã Tân Hà. Hiện nay, đồng hành cùng phong trào xây dựng nông thôn mới, các CCB còn thành lập tổ hợp tác giúp nhau sản xuất. Như tổ hợp tác nuôi bò thịt tại thôn Phúc Thọ 2 có 7 thành viên CCB cùng nhau chăm sóc đàn bò, hoạt động ổn định, là mô hình tốt để các hội viên CCB học hỏi.
Thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thành, thôn Liên Trung, xã Tân Hà, anh là CCB từng tham gia mặt trận biên giới phía Bắc những năm 1988-1992, ngắm vườn cà phê trĩu quả, chuồng lợn và chuồng gà mới thấy người lính đã chiến thắng đói nghèo bằng cách nào. Anh Thành cho biết, khi rời quân ngũ về với quê hương, lập gia đình, anh chị rất vất vả nuôi con do thu nhập quá thấp. Không cam chịu, anh chị đi xuất khẩu lao động và từ những đồng lương dành dụm, anh chị chăm sóc vườn cà phê, nuôi heo, gà và kinh tế khá dần lên. Hiện tại, anh Thành sẵn sàng chia sẻ về mô hình kinh tế của mình cho đồng đội cũng như bà con xung quanh tới tham quan học hỏi. Anh Thành nói: “Trải qua thời chiến tranh gian khổ, người lính chúng tôi có gì mà không làm được. Tất cả là từ khối óc và đôi bàn tay chăm chỉ”. Những mô hình trang trại như anh Thành trong lực lượng CCB xã Tân Hà rất nhiều. Ông Nguyễn Bá Canh rất tự hào với thành tích của đồng đội: “Chúng tôi là người lính, dù còn khoác quân phục hay về đời thường đều giữ được phẩm chất Anh bộ đội Cụ Hồ, không ngại khó, ngại khổ. Nếu đồng đội nào còn nghèo, chúng tôi sẽ chung vai cùng gánh, hỗ trợ để anh chị em cùng vươn lên, chiến thắng đói nghèo, xứng danh là người lính”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, những người CCB xã Tân Hà còn không nề hà tham gia xây dựng cộng đồng. Đóng góp trên 150 triệu đồng xây dựng đường nông thôn, hỗ trợ phong trào khuyến học, vì người nghèo, phòng chống thiên tai, hỗ trợ cho dân quân huấn luyện..., nơi nào cũng thấy sự xuất hiện của CCB. Bóng dáng người lính trong phong trào an ninh 1+1, 1+2, một CCB phụ trách an ninh cho 1, 2 hộ liền kề đang góp phần mang lại bình yên cho vùng quê mới.
N. Thu - D. Quỳnh/Báo Lâm Đồng điện tử