Thứ Bảy, 16/11/2024
Từ dân vận khéo đến niềm tin khởi nghiệp
 
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mời chuyên gia tư vấn khởi nghiệp cho các hội viên. Ảnh: C.PHƯƠNG


Từ phong trào Dân vận khéo

Phong trào Dân vận khéo được Hội LHPN tỉnh triển khai đến Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và được các cấp Hội thực hiện bằng các chương trình phù hợp với tình hình địa phương. Nội dung phong trào thi đua Dân vận khéo được gắn kết với các chuyên đề: “Phụ nữ tích cực học tập, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ khởi nghiệp”...

Từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện đã xuất hiện các mô hình, công trình, phần việc, những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Mỗi cán bộ, hội viên (HV), phụ nữ cùng hỗ trợ, giúp đỡ, tương trợ không chỉ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mà còn động viên, khuyến khích HV, phụ nữ thay đổi suy nghĩ, cách làm, cải thiện thu nhập cho bản thân và cho nhiều người.

Như chị Bùi Thị Thông - Chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ hợp tác “Dịch vụ chăm sóc lúa giống chất lượng cao” ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười. Ban đầu, gia đình chị Thông tham gia sản xuất lúa giống chất lượng cao theo hợp đồng cho một công ty tại tỉnh An Giang. Được mọi người tin tưởng, chị được cử làm đại diện cho 20 hộ gia đình sản xuất lúa. Để đảm bảo tiến độ công việc, chị thành lập Tổ hợp tác với các thành viên là lao động (LĐ) tại địa phương nhận gieo mạ, chăm sóc lúa... Hiện nay, Tổ hợp tác có 50 thành viên, người LĐ có việc làm tại chỗ, thu nhập ổn định từ 3 triệu đồng – 5 triệu đồng/tháng.

Đồng hành cùng phụ nữ nông thôn, chị Lê Thị Thủy Tiên - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ mắm, nước mắm xã Phú Thành B, huyện Tam Nông đã liên kết mọi người cùng tham gia vào tổ hợp tác, cải thiện thu nhập.

Phong trào Dân vận khéo do Hội LHPN các cấp triển khai, thực hiện đã hình thành, phát triển các mô hình: “Phụ nữ tiết kiệm theo gương Bác” ấp 2, xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình; Tổ hùn vốn mua Bảo hiểm y tế” ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” của Hội LHPN TP.Sa Đéc...

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Phong trào Dân vận khéo là nhiệm vụ trọng tâm được triển khai, thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào giúp HV, phụ nữ tự tin làm chủ bản thân, vươn lên, đồng thời giúp đỡ được nhiều người khác tại địa phương. Nhiều chị là đảng viên tại các chi, tổ hội gương mẫu, tuyên truyền, vận động quần chúng, HV chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, tham gia phát triển kinh tế. Những tấm gương tiêu biểu được các cấp Hội LHPN khen thưởng, nhân rộng. Phong trào Dân vận khéo góp phần tạo động lực, niềm tin khởi nghiệp đến HV, phụ nữ toàn tỉnh”.

Đến niềm tin khởi nghiệp

 Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” theo Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch cụ thể với mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng các ý tưởng, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Năm 2017, phong trào được thực hiện trong toàn tỉnh, với 119 sản phẩm khởi nghiệp, năm 2018, số lượng sản phẩm khởi nghiệp được thẩm định là 143 sản phẩm. Hội LHPN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố trở thành nơi tiếp nhận, khuyến khích, hỗ trợ các HV, phụ nữ mạnh dạn biến ý tưởng thành hiện thực. Sự đồng hành của Hội LHPN các cấp trở thành điểm tựa tin cậy để những người phụ nữ nông thôn biến ý tưởng, tài năng của mình thành sản phẩm, đưa ra thị trường. Tiến một bước xa hơn, năm 2018, có 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp vào vòng chung kết do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA và các đối tác chiến lược tổ chức.

Những ý tưởng khởi nghiệp của từng cá nhân được cán bộ Hội khuyến khích với mục tiêu khai thác tốt tài nguyên bản địa, ứng dụng công nghệ, tự tin đưa ra thị trường. Từ những con cá đồng, trái đu đủ được làm thành sản phẩm khô, mắm, đu đủ mắm, nước mắm. Củ khoai mì, khoai môn được chế biến thành sản phẩm bánh dành cho người ăn kiêng... Đặc biệt, các sản phẩm được Hội LHPN các cấp, chính quyền địa phương, các ngành hỗ trợ, hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết đưa ra thị trường.

Bà Trần Thị Huỳnh Mai ngụ khóm 5, phường 1, TP.Sa Đéc xúc động nói: “Trước đây, tôi bán sản phẩm kẹo đậu phộng khoai mì nướng theo kiểu nhỏ lẻ, sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ, tham gia vào Tổ khởi nghiệp, sản phẩm của tôi được đem bán trong, ngoài tỉnh, các hội chợ lớn tại TP.Hồ Chí Minh, một số người còn mua sản phẩm đem sang nước ngoài. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tôi chủ động thay đổi mẫu mã, cải tiến chất lượng sản phẩm...”.

Ngoài bán lẻ, một số cơ sở khởi nghiệp do HV, phụ nữ làm chủ còn cung cấp nguồn nguyên liệu thô cho một số công ty ngoài tỉnh xuất sang nước ngoài. Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp là nơi đầu tiên thành lập “Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp” với hơn 100 sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh, chất lượng.

Giữ vai trò liên kết tham gia, thực thi các quyết sách chính trị góp phần phát triển xã hội, Hội LHPN các cấp không chỉ tuyên truyền, vận động HV nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mà còn vận dụng kỹ năng vận động quần chúng, thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Đồng chí Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Các cấp Hội LHPN trong tỉnh duy trì, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ Hội tích cực, sáng tạo trong công tác dân vận, tận tụy vận động, yêu lao động, tự lực vươn lên, tự tin khởi nghiệp với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm. Với những kết quả đạt được, tin rằng phụ nữ Đồng Tháp sẽ vận dụng khả năng, trí tuệ, biến thách thức thành cơ hội, khẳng định vai trò, vị thế vì sự phát triển của quê hương...”.

C.Phương/ baodongthap.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi