Thứ Sáu, 10/1/2025
Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình
 
Con đường hoa do phụ nữ xã Khánh Cường (Yên Khánh) trồng và chăm sóc. Ảnh: Anh Tuấn


Tại hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh mới đây, đồng chí Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo. Theo đó, trong quá trình chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, nhân diện mô hình, điển hình “Dân vận khéo” triển khai trong hệ thống Hội và đưa vào nội dung ký giao ước thi đua; thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị, trọng tâm là “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, mô hình có sức lan tỏa sâu rộng trong hội viên, phụ nữ, nhân dân là các cấp Hội đã xây dựng đường hoa phụ nữ. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể: “Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất 1km đường hoa”. Theo đó, 100% đơn vị cấp huyện và cơ sở đã khảo sát địa bàn, xây dựng kế hoạch, báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương. Hội LHPN tỉnh hỗ trợ xây dựng 8 đường hoa điểm tại 8 huyện. Ban đầu, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn như: Diện tích đất để trồng hoa ít vì đa phần các con đường đã được bê tông hóa; nơi có đất thì nhiều sỏi đá, nhiều đoạn đường có cây xanh to, hoa bị cớm và chết. Mặt khác, các giống hoa ở địa phương không nhiều, chưa đa dạng về chủng loại, có nơi trâu bò chăn thả tự do, dễ phá hỏng đường hoa, một số hộ dân đang sử dụng đất ven đường để trồng rau, không chịu trả lại mặt bằng cho Hội phụ nữ làm đường hoa...

Để khắc phục tình trạng trên, các cơ sở Hội đã có nhiều cách làm hay. Ban đầu, Hội trích quỹ mua giống hoa, phân bón, phát động BCH Hội phụ nữ xã làm đường hoa mẫu trước, sau đó hướng dẫn, hỗ trợ các chi hội làm theo. Phát động các gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ tự nhân giống hoa tại gia đình, vận động các hộ gia đình tự nguyện trồng và chăm sóc đường hoa trước cửa gia đình mình. Đối với những nơi không còn quỹ đất, chị em đã trồng hoa treo trên tường, bằng cách tận dụng những phế liệu nhựa giúp tiết kiệm diện tích, chi phí, tạo điểm nhấn cho những bức tường, hàng rào quanh khu dân cư. Những nơi đất cằn cỗi thì chị em đổ thêm đất màu để hoa phát triển tốt. Để tránh việc đường hoa bị trâu bò phá, Hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể, đoạn đường hoa thuộc chi hội nào thì chi hội đó có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Với những cách làm sáng tạo, đến nay, đã có 143/145 cơ sở Hội xây dựng được 278 km đường hoa. Tiêu biểu như: Hội LHPN huyện Nho Quan: 74 km, Yên Khánh: 63 km... vượt chỉ tiêu giao.

Một trong những mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh là việc thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 124 của UBND tỉnh quản lý giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo mỗi cơ sở Hội giúp ít nhất 1 thanh, thiếu niên hư chậm tiến bộ. 144/145 cơ sở Hội (trừ xã Yên Mật, huyện Kim Sơn) tiến hành khảo sát và đăng ký giúp đỡ 160/582 em thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật. 

Các em được nhận giúp đỡ chủ yếu có các biểu hiện: Đánh nhau, bỏ học, mải chơi game, nghiện hút. Hội đã giúp bằng các hình thức như: Cán bộ được phân công giúp đỡ đến nhà động viên, thăm hỏi; khảo sát nguyện vọng của từng em và có biện pháp kèm cặp, giúp đỡ phù hợp. Đối với các em muốn học nghề, Hội chủ động phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở trên địa bàn, giới thiệu, tìm địa chỉ học tập phù hợp với ngành nghề mà các em muốn theo học. Cho người thân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với những em mắc nghiện, Hội Phụ nữ phối hợp với công an tuyên truyền, động viên các em tham gia uống thuốc Methadone để giảm dần liều... 

Trong tổng số 160 em được Hội nhận giúp đỡ đến nay có 133 em bước đầu có chuyển biến. Nhiều em sau khi được giúp đỡ đã có chuyển biến rõ nét. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, với những cách làm riêng, sáng tạo, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện tình hình của mỗi địa phương. Nổi bật là: mô hình “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” được nhân rộng tại 76 xã; mô hình “Chi hội phụ nữ giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc Mường, thu hút 100% phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội” tại chi Bãi Cả (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan); mô hình “chi hội thu hút 100% phụ nữ Công giáo tham gia sinh hoạt Hội” ở huyện Kim Sơn. Các mô hình HTX, tổ liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả, điển hình như HTX Tiên Phong (xóm Chùa, xã Yên Từ, huyện Yên Mô) với diện tích 10 ha, cho thu nhập bình quân đạt 450 triệu đồng/năm; HTX “Nuôi gà thả vườn” tại xã Gia Sơn, huyện Nho Quan có 10 hộ tham gia với quy mô 40.000 con gà...

Việc xây dựng những mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN các cấp với những việc làm vừa cụ thể, thiết thực, vừa gần gũi với đời sống của chị em phụ nữ luôn được các cấp uỷ, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của phụ nữ, qua đó, phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư, tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn.

Thùy Phương/ baoninhbinh.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất