Thứ Bảy, 16/11/2024
Hội nghị BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 2: Thống nhất nhiều nội dung quan trọng
 

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ hai (khoá XII) - Ảnh: Minh Châu 

Hội nghị lần này tổ chức nhằm thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng: Đánh giá kết quả hoạt động công đoàn năm 2018, xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2019; cho ý kiến về chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành; kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; quy chế làm việc của Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023; quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII về công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới; giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên giai đoạn 2018 – 2023;

Các đại biểu cũng dành thời gian cho ý kiến về Đề án khoán lợi nhuận các đơn vị kinh tế công đoàn; Chương trình nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018-2023; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn các cấp năm 2018 và chương trình công tác năm 2019; Báo cáo công khai tài chính công đoàn và một số nội dung quan trọng khác; quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khoá XII); giới thiệu, lấy phiếu tín nhiệm nhân sự tham gia quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, năm 2018 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của tổ chức công đoàn, cùng với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chương trình nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động là 1 trong 6 chương trình cụ thể hóa thực hiện 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã đề ra. Để tăng cường sự gắn bó giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn, xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, lãnh đạo công đoàn các cấp cần đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, nhất là về các chỉ tiêu hằng năm hoặc đến hết nhiệm kỳ, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới…

Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án khoán lợi nhuận các đơn vị kinh tế Công đoàn là vấn đề lớn và mới. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch khóa XI đã thảo luận và gửi xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ban Kinh tế Trung ương, các luật sư, các chuyên gia công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các viện, trường đại học… Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, một số ban của Tổng Liên đoàn để từng bước thực hiện.

Về giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên giai đoạn 2018 - 2023, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam cũng xác định đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của Công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên... Theo báo cáo của Tổng LĐ, 10 tháng đầu năm, cả nước có 135,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, góp phần giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Các cấp công đoàn quan tâm triển khai nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn và người lao động”.

Năm 2018, Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn ký mới 396 thỏa thuận hợp tác, số đoàn viên được hưởng lợi là 1,5 triệu người với số tiền ước được hưởng là khoảng 500 tỷ đồng; có thêm 436 công đoàn cơ sở chủ động đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng và cao hơn 15.000 đồng, mang lại lợi ích cho 184.353 lao động. Chương trình “Mái ấm công đoàn” tiếp tục đạt kết quả, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.168 nhà với tổng số tiền hỗ trợ hơn 38,6 tỷ đồng.

Tổng Liên đoàn đã có 93 văn bản tham gia ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành về xây dựng chính sách, pháp luật, tập trung vào các vấn đề liên quan đến đoàn viên, người lao động như Dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương, Đề án cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, các Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, các báo cáo thực thi công ước của Chính phủ; các cấp công đoàn đã chỉ đạo, hỗ trợ công đoàn cơ sở đề xuất, thương lượng và ký mới 990 bản thỏa ước lao động tập thể, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết và thực hiện lên 28.876 bản.

Tổ chức công đoàn thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động tập trung vào các nội dung thiết thực, giải quyết những vấn đề sản xuất kinh doanh và công tác đặt ra, đóng góp xây dựng cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Theo báo cáo của các đơn vị, các doanh nghiệp đã tổ chức 29.353 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng 1 lần và 3.749 cuộc đối thoại đột xuất, một số đơn vị đã thực hiện tốt đối thoại định kỳ tại nơi làm việc đạt từ 1 lần/quý trở lên.

Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, cũng là năm đầu tiên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng có nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn.

Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, hoạt động công đoàn các cấp năm 2019 sẽ phấn đấu ký mới 500 thỏa thuận hợp tác, trong đó Tổng Liên đoàn ký 5 thỏa thuận, số đoàn viên được hưởng lợi ích trên 2 triệu người với số tiền hưởng lợi khoảng 600 tỷ đồng; phấn đấu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng một số hạng mục cơ bản tại các thiết chế công đoàn theo tiến độ đề ra; bàn giao 300 căn hộ đầu tiên cho người mua tại dự án thiết chế Công đoàn Hà Nam, triển khai khởi công 12 dự án thiết chế Công đoàn, dự án Nghĩa sỹ Hoàng Sa; hoàn thiện đưa vào sử dụng dự án Trụ sở làm việc Tổng Liên đoàn và dự án Bảo tàng công nhân công đoàn.

Bên cạnh đó, công đoàn các cấp chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật, trọng tâm là Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; xây dựng phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020; vận hành hoạt động Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật có kết quả; hoàn thiện phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến của tổ chức Công đoàn; chủ động nắm bắt và làm tốt công tác dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, bức xúc của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.../.

Minh Châu/ dangcongsan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi