Hơn 2 năm qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Ninh Bình đã gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, qua đó nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được nhân rộng, có sức lan tỏa trong thực tiễn.
|
Mô hình đường hoa của Hội Phụ nữ thành phố Ninh Bình. Ảnh: PV |
Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về nội dung, ý nghĩa của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị báo cáo viên cho 100% cán bộ chuyên trách Hội cấp tỉnh, huyện; các cấp Hội tổ chức 562 hội nghị tuyên truyền thu hút 32.140 lượt người dự; có 1.549 bài, phóng sự trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời phát động cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc ”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Công tác tuyên truyền, vận động đã khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của phụ nữ trên các lĩnh vực.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững. Các cấp Hội thực hiện tốt hợp đồng ủy thác với ngân hàng CSXH, ngân hàng Nông nghiệp và PTNT; vận động các tổ chức, cá nhân cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất. Hiện các cấp Hội đang quản lý trên 2.400 tỷ đồng, giúp trên 148.000 lượt người vay, trong đó có 19.896 phụ nữ nghèo. Đến nay, đã có một số mô hình đạt kết quả tốt, như: Mô hình tư vấn, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Tiên Phong tại xóm Chùa, xã Yên Từ (Yên Mô). Đây là mô hình dân vận khéo do Hội LHPN tỉnh đăng ký với BCĐ tỉnh, đã vận động 17 gia đình hội viên phụ nữ chuyển đổi trên 3 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng chuối Thái Lan.
Hiện mô hình đã thu hút được 27 gia đình tham gia với diện tích 10 ha, cho thu nhập bình quân đạt 450 triệu đồng/ha. Hội LHPN các huyện, thành phố xây dựng các mô hình tổ liên kết như: tổ liên kết chăn nuôi lợn tại xã Ninh Nhất, tổ liên kết trồng hành tại xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình); mô hình liên kết trồng đào xen nghệ, chè ở xã Đông Sơn; mô hình “Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh” tại xã Trường Yên (Hoa Lư). Hội phụ nữ các huyện, thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bán hàng. Đến nay, đã giúp 171 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, cho thu nhập bình quân 700.000 đồng/tháng. Hội Phụ nữ cơ sở có nhiều sáng tạo trong xây dựng mô hình làm theo Bác, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia như: Mô hình “Tiết kiệm tại chi hội”, “Nhóm phụ nữ tiết kiệm”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”... 2 năm qua, các cấp Hội đã vận động 80% số hội viên tham gia tiết kiệm dưới nhiều hình thức, với số tiền gần 80 tỷ đồng.
Nhiều hoạt động trợ giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo đứng chủ đã được triển khai như: hội viên cho nhau vay không lấy lãi, hỗ trợ ngày công, giống cây con, hướng dẫn kiến thức làm ăn cho những gia đình khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hàng năm, 100% cơ sở Hội đăng ký nhận giúp từ 1 đến 2 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo. Do vậy, trong thời gian qua đã có 567 hộ phụ nữ nghèo đứng chủ được Hội giúp thoát nghèo, góp phần thiết thực giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 4,52% (năm 2017) xuống còn 4,17% (năm 2018).
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của phụ nữ để tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức thời kỳ CNH, HĐH “Tự tin -Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; huy động được sự quan tâm của xã hội, gia đình trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, trẻ em, nhất là các gia đình có con dưới 16 tuổi. Một số mô hình tập thể tham gia vệ sinh môi trường đã khơi dậy trách nhiệm, có sức lan tỏa nhanh trong cộng đồng, như: phong trào “Ngày thứ 7 sạch”; phong trào “Đường hoa phụ nữ”; mô hình “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng”; Mô hình CLB “Phụ nữ giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” tại các xã vùng cao huyện Nho Quan; Mô hình CLB “Giai điệu dân ca” tại khu du lịch huyện Hoa Lư; CLB “Bóng chuyền hơi” tại các xã của huyện Yên Khánh; CLB “Bóng đá nữ” xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, CLB Hát chèo tại nhiều xã của huyện Yên Khánh, Yên Mô...
Thực hiện “Dân vận khéo” là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh thời gian qua, góp phần thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức Hội. Hiện nay, tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 85,33%. Hàng năm Hội LHPN tỉnh và 100% Hội LHPN cấp huyện đạt vững mạnh; 100% cơ sở Hội đạt khá trở lên, trong đó có 85,5% đạt vững mạnh.
Mai Lan/ baoninhbinh.org.vn