Thứ Bảy, 16/11/2024
Nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Dự buổi lễ có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các ủy viên Trung ương Đảng: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

 
 Đại diện bốn ngành ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái
 giai đoạn 2019-2022 - Ảnh: Minh Châu

Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019-2022 gồm các nội dung chính: xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái; truyền thông đối với các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, gây bức xúc trong dư luận; phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai các hoạt động; nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thông qua bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ Hội LHPN các cấp và công chức ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an; phối hợp biên soạn, xây dựng tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái...
 
Phát biểu tại lễ ký kết, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sáng kiến của Hội LHPN Việt Nam trong việc tổ chức chương trình phối hợp và chọn chủ đề năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, mục tiêu xâm hại của một số loại tội phạm. Tình trạng phụ nữ và trẻ em bị xâm hại thời gian vừa qua rất phức tạp, đặc biệt xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, nơi dân trí thấp, điều kiện sống khó khăn. Vì vậy, công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em cần sự chung tay của toàn xã hội.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình mong muốn, sau buổi lễ lý kết sẽ có nhiều hoạt động phối hợp chung của 4 ngành trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em; những vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em cần được điều tra, truy tố, xét xử, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật nhằm mang lại cuộc sống thanh bình, yên ấm, xã hội an toàn, trật tự, kỷ cương. 

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, nhiều năm nay, Hội đã chủ động, tích cực trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội luật pháp, chính sách liên quan tới phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; thực hiện tốt các nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Tuy nhiên năm 2017, cả nước vẫn phát hiện hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó nạn nhân là trẻ em gái chiếm 92,3%; hơn 3.000 người là nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán trong thời gian từ 2012 - 2017, trong đó, phụ nữ và trẻ em chiếm trên 90%. Giai đoạn 2008-2018 có hơn 1.221.000/1.416.061 vụ án ly hôn mà Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết xuất phát từ lý do bạo lực gia đình (chiếm tỷ lệ 86,23%).

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, chương trình phối hợp công tác giữa bốn ngành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự cam kết của các cơ quan trong thực thi pháp luật, góp phần xây dựng xã hội an toàn, trật tự, kỷ cương, thượng tôn pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em là đối tượng đặc thù, dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, đặc điểm của loại hình tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em khó phát hiện, khó chứng minh, nhất là tội dâm ô trẻ em. Do vậy, rất cần cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử thấu hiểu đặc điểm tâm sinh lý của phụ nữ và trẻ em, có kiến thức, kinh nghiệm giải quyết vụ việc đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, bao gồm cả những vụ việc giải quyết ly hôn liên quan đến con cái và tài sản...

Minh Châu/ dangcongsan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất