Thứ Sáu, 15/11/2024
Cần có chế tài xử lý nghiêm gian lận trong thi cử
 
Quang cảnh Hội nghị. 


Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng tư vấn đã góp ý thẳng thắn vào nhiều nội dung của dự thảo Luật này, cũng như chia sẻ nhiều vấn đề nóng bỏng của lĩnh vực mà cả xã hội quan tâm, bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật cần bao quát nhiều vấn đề đang là nỗi bức xúc hiện nay như thực phẩm bẩn vào trường học, bạo lực học đường với thầy cô và học sinh, gian lận thi cử... Nếu không có chế tài để xử lý những vấn đề này thì không thể giải quyết được bức xúc.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, giáo dục đang được cả xã hội quan tâm, nên các vấn đề trong Luật Giáo dục phải được quy định rõ ràng. Đơn cử như tiêu chuẩn của cán bộ quản lý giáo dục. "Quyền hạn trách nhiệm của họ đến đâu, tiêu chuẩn, tiêu chí nào để làm cán bộ quản lý giáo dục", ông Chức đặt vấn đề.

“Bộ máy của ngành giáo dục phải là những người có phẩm chất, có trình độ. Không thể chấp nhận hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục lại trực tiếp tham gia vào vụ gian lận thi cử như ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua”, TS Nguyễn Viết Chức nói.

Cũng theo ông Chức, tiêu chuẩn giáo viên phải được quy định rõ trong Luật để có cơ sở bảo vệ nhà giáo. Không thể để tình trạng như hiện nay, giáo viên phải “chạy” các loại chứng chỉ, văn bằng, giáo viên đi dạy nhưng cứ nơm nớp vì bị trượt viên chức.

“Đó là những việc cần làm ngay chứ không phải chăm chăm lo viết sách giáo khoa, bởi quan trọng nhất là giáo viên chứ không phải sách giáo khoa. Sách hay đến mấy mà giáo viên không đáp ứng yêu cầu cũng không có hiệu quả”, TS Nguyễn Viết Chức thẳng thắn nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng Luật sửa đổi lần này cần tạo được chuyển biến tích cực cho nền giáo dục. Như vụ gian lận thi cử vừa qua dân rất bức xúc, nhưng khi viện dẫn ra luật thì khó xử lý, chính vì vậy Luật cần thiết phải đề cập, quy định việc ngăn chặn gian lận thi cử trong thời đại 4.0.

Bên cạnh đó theo ông Quang, Luật cần làm rõ mối quan hệ gia đình và nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục, dạy dỗ học sinh; quan tâm đến việc chống bạo lực học đường, bảo vệ được thân thể, danh dự, nhân phẩm của thầy cô, học sinh...

Góp ý về nội dung đầu tư cho giáo dục, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung mà dư luận đang rất quan tâm đó là giáo dục phải được tự chủ về nhân sự và tài chính.

Ông Khang kiến nghị ngành giáo dục phải được tự chủ tuyển dụng giáo viên, không qua ngành nội vụ như hiện nay. Ngành giáo dục cũng phải được tự chủ về tài chính, nghĩa là trực tiếp điều hành ngân sách Nhà nước cấp cho ngành giáo dục chứ không phụ thuộc vào ngành Tài chính.

Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật bày tỏ băn khoăn khi thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa rất dễ lộn xộn, lúng túng trong lựa chọn bộ sách nào để học, chưa kể việc gây lãng phí về ngân sách, tạo gánh nặng cho gia đình và học sinh.

Ông Thường kiến nghị nên có một bộ sách giáo khoa phổ thông quốc gia. Bên cạnh đó cần phải thực hiện bằng được giảm tải, không để nặng về kiến thức hàn lâm như hiện nay.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị làm rõ chính sách học phí đối với người học diện phổ cập giáo dục; việc hỗ trợ đóng học phí đối với người học diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cần cụ thể hóa về đối tượng thụ hưởng, tiêu chí, mức tính; vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục gắn với phát triển kinh tế xã hôi, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; viêc phân luồng, hướng nghiệp…

Theo lộ trình, sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ sẽ rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019.

Để lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo Luật này, trong thời gian qua, Chính phủ đã nhận được báo cáo của 53/63 Sở GDĐT với 812.591 ý kiến; 57 tổ chức Công đoàn giáo dục các tỉnh, 20 trường đại học với 353.113 lượt người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội - xã hội nghề nghiệp và hiệp hội...

Trung Hiếu/ daidoanket.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất