Chiều 14/5, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Kết luận số 102-KL/TW về công tác hội quần chúng do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam và đại diện một số bộ, ngành.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra. Cùng dự có các đồng chí: Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quang Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Bá Huy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, hội, đoàn thể.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Bá Huy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Thời gian qua, BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh, chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trọng tâm là hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, phù hợp với thực tiễn; nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là đối với những lĩnh vực nhân dân quan tâm, bức xúc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo”, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các phong trào, cuộc vận động được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai với nhiều cách làm hiệu quả. Việc tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Liên quan đến Kết luận số 102-KL/TW về công tác hội quần chúng, đồng chí Nguyễn Bá Huy cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.188 hội các cấp, trong đó có 947 hội đặc thù và 241 hội không đặc thù. Về cơ bản, các hội đã và đang hoạt động đúng pháp luật, tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội, qua đó, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ nguồn kinh phí gần 143 tỷ đồng cho các tổ chức hội đặc thù hoạt động. Đối với những hội không phải đặc thù, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn các sở, ngành, UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân xin thành lập hội đảm bảo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trạng trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện 2 Kết luận nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho rằng, Trung ương cần có thêm cơ chế, chính sách đảm bảo để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; tăng cường công tác tập huấn và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, hội, đoàn thể chính trị - xã hội; tiếp tục đổi mới, đưa ra những định hướng phù hợp với từng giai đoạn cho công tác MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; có những quy định rõ ràng đối với việc thành lập và hoạt động của các hội quần chúng.
Làm rõ hơn kết quả Vĩnh Phúc đạt được và những nội dung Đoàn kiểm tra quan tâm, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định: Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng; tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng chí đề nghị Trung ương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về công tác vận động quần chúng. Tạo cơ chế chính sách phù hợp đảm bảo cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy hết khả năng sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là đối với những tỉnh, thành phố có sự phát triển nhanh và ổn định.
Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Vĩnh Phúc trong đổi mới phương thức hoạt động, nhất là đã cụ thể hóa được Kết luận số 62-KL/TW và Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng chí đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng. Từ đó, có thêm phương thức, cách làm mới theo kịp tình hình hiện nay. Chủ động quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ tham gia công tác vận động quần chúng. Cùng với tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho các hội đặc thù hoạt động ổn định; kịp thời khen thưởng những điển hình tốt, uốn nắn, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tạo điều kiện thuận lợi để các hội quần chúng hoạt động hiệu quả.
Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng yêu cầu MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, truyền đạt kịp thời những ý kiến, gửi gắm của người dân đến với các cấp chính quyền.
(Theo vinhphuc.gov.vn)