Thứ Sáu, 15/11/2024
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn
 

Quang cảnh Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản không an toàn, sớm xoá bỏ hiện tượng sản xuất để ăn phân biệt với để bán như “rau hai luống, lợn hai chuồng”…  Sau 1 năm triển khai, chương trình đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Ý thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn được nâng lên. Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển sản xuất, cung ứng nông sản an toàn theo chuỗi. Việc ngăn chặn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hoá chất, kháng sinh và các chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực…

Theo Báo cáo đánh giá kết quả 1 năm thực hiện chương trình phối hợp, nhiều hoạt động đã được tổ chức và đạt nhiều kết quả tích cực, như: Lễ phát động thực hiện Chương trình 526 nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về nội dung chương trình kết hợp với triển lãm tranh về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, trưng bày sản phẩm an toàn; Hội Nông dân Việt Nam đã biên soạn, in ấn 5.000 sổ tay tuyên truyền cấp phát cho các tỉnh, thành Hội; tổ chức đào tạo giảng viên nguồn về chính sách, pháp luật, các kiến thức về an toàn thực phẩm đối với sản xuất nông sản thực phẩm trên cạn cho 10 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và 10 tỉnh khu vực miền Nam...

Các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức được 45.916 lớp tập huấn với 1.235.704 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng trăm cán bộ chủ chốt của 63 tỉnh, thành với các nội dung trọng tâm về an toàn thực phẩm. Các cấp Hội Phụ nữ đã tập huấn cho gần 171.000 cán bộ Hội, chi, tổ trưởng về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; xây dựng và phát sóng 7 chương trình, phóng sự tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi, ý thức tuân thủ pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm cùng hàng nghìn tờ Thông tin Phụ nữ số chuyên đề an toàn thực phẩm…

Ý thức về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản được nâng cao. Năm 2018, đã có 1.269.577 hộ hội viên Hội Nông dân Việt Nam ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; các cấp Hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã vận động được hơn 2 triệu gia đình hội viên ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung thực hiện cuộc vận động 3 không: “Không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”, “Nói không với thực phẩm bẩn”. Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam cũng đã tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ký kết trên 68.926 hợp đồng tiêu thụ nông sản trị giá 3.483 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho 1.347 sản phẩm…

Chương trình đã đạt được kết quả bước đầu khá toàn diện, rõ nét. Các nội dung đã được tuyên truyền sâu rộng, lan toả đến các địa phương trên cả nước. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cộng đồng nhận thức sâu sắc hơn về an toàn thực phẩm; đồng hành, chung tay sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Một số hoạt động triển khai đã thôi thúc hội viên, nông dân có kế hoạch đầu tư thay đổi cách thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ mới, liên kết tạo ra sản phẩm an toàn, phát triển bền vững ngành nghề…/.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất