Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, với vai trò chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, cùng với hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, cùng với các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan BHXH các địa phương đã thực hiện tốt công tác phối hợp truyền thông, thể hiện rõ vai trò là người hướng dẫn, là cầu nối tuyên truyền các chính sách, chế độ của BHXH, BHYT, các chính sách an sinh xã hội của tỉnh đến với mọi người dân.
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu. Tỉnh gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 130 xã, phường và thị trấn, trong đó: 110 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 29 xã biên giới, 1.781 thôn, bản, tổ dân phố. Dân số hơn 53 vạn người, trong đó vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới khoảng 85%. Toàn tỉnh có 19 dân tộc anh em, gồm: Dân tộc Thái (38%), dân tộc Mông (35%), dân tộc Kinh (18%), dân tộc Khơ Mú (3,9%), còn lại là các dân tộc khác, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 chiếm 31,5%.
BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia, góp phần thực hiện công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân đối với nhân dân các dân tộc, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chú trọng chỉ đạo, định hướng triển khai tuyên truyền trong thời gian qua.
Để các chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống, theo Quyết định 538-QĐ/TTg và Đề án Chiến lược phát triển ngành BHXH giai đoạn 2013 - 2020, Chỉ thị 38 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ban hành Hướng dẫn 113-HD/BTGTU về việc “Tăng cường công tác tuyên truyền BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân”. Theo đó, dưới sự chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành phố, các cơ quan trong Khối tư tưởng-văn hoá, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, sở Thông tin và truyền thông, Văn hoá thể thao và Du lịch, các cơ quan có ẩn mang tính báo chí... Công tác tuyên truyền đã nêu bật được ý nghĩa và tầm quan trọng, tính ưu việt, lợi ích về chính sách BHXH, BHYTcủa Đảng và Nhà nước ta. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn hiểu và thực hiện, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đấu tranh, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, BHXH, nhất là đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa biên giới gây ảnh hưởng đến đời sống và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bằng nhiều hình thức, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện tốt sự phối hợp với BHXH tỉnh để tuyên truyền về BHXH, BHYT đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tỉnh. Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên của Tỉnh có: 4 đồng chí Báo cáo viên TW, 45 đồng chí cấp tỉnh, 310 báo cáo viên cấp huyện, 2.015 tuyên truyền viên cấp xã, 1.441 những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đây là lực lượng quan trọng để cung cấp các thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách BHXH, BHYT tại các hội nghị Giao ban báo chí, hội nghị Báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức định kỳ và tổ chức các buổi họp dân tại các thôn, bản, khu dân cư hằng tháng. Ngoài ra, còn tuyên truyền trên tài liệu Sinh hoạt Chi bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hằng tháng để đưa nội dung này vào các buổi sinh hoạt chi bộ với số lượng phát hành là 3.000 cuốn/tháng đến 628 TCCS đảng, 2.270 chi bộ với 30.473 đảng viên; Ban Tuyên giáo cũng phối hợp với sở Truyền thông thông tin để thẩm định, cho phát hành gần 10 loại pano, áp phích, tờ rơi... tuyên truyền về BHXH, BHYT.
Đều đặn, Báo Điện Biên Phủ xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền BHXH, BHYT trên các ấn phẩm báo chí của tỉnh, nhất là những ngày BHYT Việt Nam (01/7), ngày BHXH Việt Nam (16/02) và công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2014-2015. Duy trì 4 kỳ/tháng tuyên truyền thường xuyên về các chính sách BHXH, BHYT, Báo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên báo Điện Biên Phủ. Ngoài ra, BHXH tỉnh còn tiếp nhận, biên tập và gửi đăng gần 200 tin bài trên Báo và Tạp chí BHXH Việt Nam, thông qua hoạt động của trang Web BHXH tỉnh đã đáp ứng yêu cầu giải đáp những thắc mắc của đối tượng trong khi giải quyết chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, công khai hoá thủ tục hồ sơ, mẫu biểu khi đối tượng đến làm việc với cơ quan BHXH.
Đài phát thanh truyền hình của tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh đã xây dựng chuyên mục “BHXH vì cuộc sống cộng đồng” phát thường xuyên trên sóng truyền hình 1 chuyên mục/tháng và phát trên sóng phát thanh 4 chuyên mục/tháng. Đồng thời, phát huy có hiệu quả các chương trình phát thanh tiếng Dân tộc Thái, Mông để lồng ghép tuyên truyền các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn trong tỉnh. Ngoài ra, một loại hình tuyên truyền quan trọng và hiệu quả nữa, đó là hơn 500 Cụm truyền thanh không dây trên các xã và các thôn, bản cũng tham gia tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền này.
Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh Điện Biên cho biết: “Thời gian qua, Ngành BHXH tỉnh đã phối hợp có hiệu quả với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, với các cơ quan thông tin đại chúng để tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đến cán bộ, đảng viên và đến với nhân dân các dân tộc trên địa bàn, ngành BHXh tỉnh cũng đã cung cấp thông tin, tư liệu kịp thời cho Phóng viên phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức các hội nghị báo cáo viên; tham gia giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm thực hiện đúng các chế độ đối với người lao động và người dân. Do đó, đã tác động tích cực đến vận động nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm và chủ động tham gia BHXH, BHYT”.
Với những biện pháp tuyên truyền cụ thể, hiệu quả, công tác khắc phục nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu quả. Từ đầu năm đến hết tháng 6/2015, số người tham gia BHXH, BHYT toàn tỉnh hiện nay là 513.980 người, tăng 4.139 người, vượt 0,81% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thu 6 tháng đầu năm là 390.918 triệu đồng, đạt 49,8% kế koạch BHXH Việt Nam giao, tăng 18.820 triệu (5,06%) so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra Ngành còn tích cực khai thác mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, BHYT và giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động; quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN nhanh chóng, kịp thời. BHXH tỉnh Điện Biên đã tạo được niềm tin, sự thân thiện với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và những người tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT còn gặp nhiều vướng mắc và không ít những hạn chế, khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ngành BHXH Điện Biên tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng và cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương, tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền thực hiện các chính sách BHXH, BHYT một cách thiết thực và đồng bộ hơn nữa./.
Nguồn: bhxhdienbien.gov.vn, 7/7/2015