Trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định, tức là đúng cơ sở y tế ghi trên thẻ BHYT, xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh; khi chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên xuất trình thêm Giấy chuyển tuyến; có giấy hẹn khám lại; trường hợp cấp cứu đã trình thẻ và giấy tờ tùy thân trước khi ra viện, được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT.
Tùy theo thời gian tham gia BHYT mà người bệnh sẽ được áp dụng theo tỷ lệ, hay không áp dụng tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, chi phí vận chuyển... Cụ thể, đối với người tham gia BHYT có mức hưởng ghi trên thẻ BHYT ký hiệu bằng số 1 sẽ không được áp dụng còn người tham gia BHYT có mức hưởng ghi trên thẻ BHYT ký hiệu bằng số 2, số 3, số 4 và tất cả các trường hợp có chi phí một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương ứng với 172,500 đồng) hoặc khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến xã được áp dụng tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đối với các trường hợp đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên tính đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT và áp dụng tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp này người bệnh cần lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BHXH cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Người tham gia BHYT có mức hưởng ghi trên thẻ BHYT ký hiệu bằng số 3, số 4 sẽ được cơ quan BHYT thanh toán theo các mức 95%, 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT, phần còn lại do người bệnh đồng chi trả.
Cơ quan BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh, kể cả chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT, chi phí vận chuyển đối với người tham gia BHYT có mức hưởng ghi trên thẻ BHYT ký hiệu bằng số 5.
Trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến quy định: không đúng nơi đăng ký ban đầu, không có Giấy chuyển tuyến (trừ trường hợp cấp cứu), xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh ngay khi đến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định cũ, các đối tượng chỉ được hưởng 30% chi phí điều trị nội trú và ngoại trú nhưng Luật BHYT sửa đổi điều chỉnh lại theo các mức: 40%, 38% và 32% tại bệnh viện tuyến Trung ương. Còn tại bệnh viện tuyến tỉnh, theo quy định cũ là 50% thì Luật sửa đổi điều chỉnh theo các mức: Từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-12-2020 là 60%, 57%, 48%; từ ngày 1-1-2021, được hưởng 100%, 95% và 80% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Tại bệnh viện tuyến huyện áp dụng các mức: 70%, 66,5%, 56%.
Những điều chỉnh của Luật BHYT sửa đổi theo hướng tăng quyền lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế với một số đối tượng như: người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội,… nhất là với những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính (chạy thận nhân tạo chu kỳ, ung thư, bệnh nội tiết,…) do không có khả năng chi trả. Luật sửa đổi quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT như: bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống vùng ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ/chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người cận nghèo.
Để người dân tham gia BHYT hiểu được quyền lợi của bản thân và yên tâm khám chữa bệnh đúng tuyến thì cần phải thay đổi cách nhìn của người dân khi đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế địa phương. Để làm được điều này, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân thì ngành Y tế cần có những biện pháp tăng cường hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, tăng cường đầu tư cho các tuyến y tế cơ sở để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ y tế cơ sở.