Thứ Bảy, 25/1/2025
Ngành y tế nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ninh

 PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế trao tượng trưng xuồng cứu hộ và cơ số thuốc chống dịch cho lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh

Theo thống kê ban đầu, tính tới thời điểm hiện tại, cơn mưa lớn lịch sử kéo dài 3 ngày đã gây ngập lụt khoảng 37.000 hộ dân, trường học, cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Khoảng gần 1.000 lồng bè, nhiều diện tích ao, đầm nuôi thủy sản, hoa màu bị thiệt hại và ảnh hưởng. Trên địa bàn tỉnh có 17 người chết, 6 người mất tích, 15 người bị thương. Một số tuyến đường giao thông, trong đó có những tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh bị sạt lở gây tắc nghẽn, chia cắt. Hàng loạt khu vực bị cô lập vì ngập sâu từ 1,5 – 2m, thậm trí có nơi lên đến hơn 10m ở đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng trên 1.500 tỷ đồng. Riêng ngành than bị trôi mất khoảng 1 vạn tấn than (tương đương 500 tỷ đồng).

Tại thời điểm đoàn công tác của Bộ Y tế đến Quảng Ninh, mưa đã tạm ngớt, nhưng theo thông tin từ Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh, thời tiết khu vực tỉnh Quảng Ninh từ 31/7 đến ngày 3-4/8 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông, lốc, diễn biến phức tạp khó lường cần chủ động đề phòng.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trước trận mưa lũ lịch sử, ngay từ khi bắt đầu có mưa trong ngày 25/7, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp điện thoại đến từng địa phương yêu cầu triển khai ngay các phương án phòng chống lũ lụt. Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh liên tục có điện khẩn (4 công điện) và đến từng điểm trọng yếu, yêu cầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc cũng đã có công văn yêu cầu toàn tỉnh Quảng Ninh dừng tất cả công việc để tập trung phòng chống lũ lụt. Chủ động các biện pháp khẩn trương kiểm tra, xử lý, khắc phục những thiệt hại và có biện pháp phòng chống, hạn chế thiệt hại thấp nhất. Đối với các hộ dân đã di dời thì kiên quyết không cho quay trở lại nơi ở cũ trong thời gian tiếp tục có mưa lớn xảy ra. Tuyệt đối không để cho người dân đói và rét, bà Thủy cho biết.

Thực hiện Công điện số 1192/CĐ-TTg ngày 28/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã huy động các lực lượng hỗ trợkhắc phục hậu quả mưa lũ giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt cứu trợ các hộ dân còn bị cô lập, nhất là các gia đình bị mất nhà cửa, chỉ đại các lực lượng quân đội, thanh niên tình nguyện tổ chức giúp dân dựng lại nhà cửa và dọn dẹp VSMT trong khu dân cư. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập sâu, chảy xiết, kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi nơi ngập sâu, nơi có nguy cơ sạt lở.

Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; hỗ trợ các trường hợp bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ theo mức 6 triệu đồng/người chết; hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng; hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương. Hỗ trợ 50.000.000 đồng/nhà bị sập.

Nguồn: suckhoedoisong.vn/Trần Lâm, 1/8/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi