Đây là thông tin được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết tại hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT) 6 tháng đầu năm 2015 được tổ chức chiều 1-7 tại Hà Nội và các điểm cầu trong cả nước dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tính đến tháng 6-2015, số người tham gia BHYT trong cả nước là 64,6 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số tăng 2,7 triệu người so với tháng 5-2014. Riêng nhóm BHYT theo hộ gia đình tăng hơn 400.000 so với thời điểm cuối năm 2014, tương đương 5,4%. Tuy nhiên so với mục tiêu đến cuối năm 2015 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 75% dân số thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hàng loạt các biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh để tạo thuận lợi và thu hút người dân tham gia BHYT nhiều hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn cho biết, trong việc thực hiện chính sách BHYT còn nhiều bất cập. Một số cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại địa phương, đơn vị. Còn có biểu hiện giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Luật BHYT cho ngành Y tế và cơ quan BHXH, chưa xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiều địa phương chưa giao chỉ tiêu cụ thể, chưa hướng dẫn cụ thể việc kê khai lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Mạng lưới đại lý thu BHYT chưa thực sự chủ động, tích cực bám sát người dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn tham gia BHYT theo hộ gia đình. Người dân thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT “Việc triển khai các đại lý BHYT ở số nơi người dân còn không biết đại lý BHYT ở đâu, chính quyền địa phương cũng không rõ...”- Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế nhất là y tế cơ sở. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, trong thanh toán BHYT, đây chính là rào cản để thu hút người dân tham gia BHYT.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, để hoàn thành mục tiêu 75% dân số có BHYT trong năm 2015, trong những tháng tới, chúng ta phải phát triển BHYT thêm hơn 3,2 triệu người, tương đương 3,6% dân số. Trong khi phần lớn trong số này là những người có thu nhập không ổn định, hoặc phụ thuộc về tài chính, sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia BHYT nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ BHYT ở các địa phương không đồng đều, nhiều tỉnh thành có tỷ lệ thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt là các tinh, thành có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 60% như: Nam Định, Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bình Thuận, Tây Ninh, Kiên Giang, Cần Thơ…Việc tuân thủ pháp luật trong tham gia BHYT chưa cao của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Thống kê có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động, với tổng số tiền nợ lên tới hơn 3.100 tỷ đồng.
Liên quan tới công tác khám chữa bệnh và sử dụng Quỹ BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, đã có gần 60 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh theo chế độ BHYT với tổng số tiền được chi trả từ Quỹ BHYT là gần 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong công tác thanh toán khám chữa bệnh BHYT còn nhiều tồn tại. Trong đó nổi lên là việc các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định hoặc chưa rõ ràng như: Việc ký duyệt các kết quả xét nghiệm, XQuang tại một số bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu; việc thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục hoặc chưa được phê duyệt giá nhưng vẫn được các bệnh viện thực hiện cung cấp cho người bệnh BHYT. Đặc biệt tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để mà còn có xu hướng thay đổi theo chiều hướng tinh vi hơn như: hợp thức hóa việc chỉ định quá mức dịch vụ kỹ thuật, ghi thêm ngày điều trị, cố tình áp sai tên dịch vũ kỹ thuật để hưởng mức cao hơn, lắp đặt máy móc theo hình thức liên danh, liên kết chưa thực hiện đúng quy định tại một số cơ sở y tế. Trong khi đó, công tác đầu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập gây lãng phí quỹ BHYT như tình trạng đưa các thuốc có hàm lượng, dạng bào chế ít cạnh tranh vào kế hoạch đấu thầu.