Thực hiện công tác chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Văn Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 05/2011/NQ-CP của Chính phủ về công tác chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Khám chữa bệnh (KCB). Hệ thống cơ sở y tế từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với dịch vụ KCB”.
Đến nay, trên 90% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, bán kiên cố và trang bị dụng cụ KCB cơ bản, thuốc thiết yếu, phương tiện truyền thông, thông tin liên lạc… đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống bệnh viện được trang bị hiện đại, thực hiện được nhiều ca phẫu thuật khó về mắt, nội soi, cấp cứu sơ sinh bệnh lý, sử dụng máy thở khoa nhi… Nhờ vậy, số người dân được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đạt 2,5 lần/người/năm; kinh phí KCB thông qua bảo hiểm y tế đạt 65 - 70%.
Chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Kha (ở thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè) khi anh đưa vợ là chị Lò Thị Chiên ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị bệnh thận. Anh Kha tâm sự: “Vợ tôi vào Trung tâm Y tế huyện Mường Tè 2 ngày thì được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, vợ tôi được các y, bác sỹ chăm sóc tận tình và khám, chụp bằng các thiết bị y tế hiện đại nên tôi yên tâm hơn. Bệnh viện còn hỗ trợ bữa ăn miễn phí, đảm bảo dinh dưỡng cho người bị bệnh thận”.
Cùng với chăm sóc sức khỏe, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh được tuyên truyền đến hộ gia đình thông qua việc phát động thực hiện các phong trào: “Sức khỏe cho mọi nhà”, “Làng văn hóa, làng sức khỏe”… Bên cạnh đó, củng cố, hoàn thiện công trình vệ sinh, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch.
Mỗi tuần 1 lần, hội viên, phụ nữ dân tộc Giáy ở bản văn hóa San Thàng 1 (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) lại lao động dọn vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, đường làng ngõ xóm và khơi thông mương nước. Chị Lò Thị Hương (bản văn hóa San Thàng 1) cho biết: “Trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ, tôi và các con được khám, tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ. Hiện, San Thàng 1 đã đạt danh hiệu bản văn hóa nên mỗi người dân đều nâng cao ý thức dọn vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở và nơi công cộng để góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và bản đạt tiêu chí bản sức khỏe”.
Trước đây, một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ, phải có con trai để nối dõi thì nay quan niệm đó dần được thay thế bằng việc dừng sinh ở 2 con dù trai hay gái để có điều kiện phát triển kinh tế, chăm sóc các con và bảo vệ sức khỏe gia đình. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên toàn tỉnh còn khoảng 20% (năm 2014), giảm hơn 2% so với năm 2012. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 65%.
Chị Tẩn Thị Mỷ ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) cho biết: “Qua tuyên truyền chúng tôi hiểu rằng sinh ít con vừa có điều kiện lo cho các con ăn, học đầy đủ, vừa có thời gian để phát triển kinh tế gia đình. So với thời của bà, mẹ tôi, giờ tôi đã biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, khi ốm đau không mời thầy cúng mà đến Trạm Y tế KCB”.
Ngoài việc nâng cao chất lượng, dịch vụ KCB, chuẩn hóa đội ngũ y, bác sỹ, ngành Y tế còn phối hợp với Hội Đông y tỉnh khảo sát, điều tra, thu thập các bài thuốc dân gian của các ông lang, bà mế để thẩm định và xây dựng chương trình bảo tồn, nhân rộng, phát triển, góp phần phục vụ KCB, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình quân dân y kết hợp trong phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, KCB cho Nhân dân các dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, biên giới.
“Để công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả hơn nữa, ngành Y tế tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực mạng lưới tuyến cơ sở, tuyên truyền giáo dục sức khỏe để loại trừ dần những tập tục lạc hậu, xây dựng lối sống lành mạnh ở từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở cơ sở” - bác sỹ Đỗ Văn Giang cho biết thêm.
Nguồn: baolaichau.vn/Kim Oanh