Thứ Năm, 23/1/2025
20 bác sĩ ngoại quốc đến với đồng bào dân tộc ở Kon Plong

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động vì cộng đồng của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam kết hợp cùng Phòng khám Quốc tế Family Medical Practice Việt Nam tổ chức mang tên "vì một Kon Plong tốt đẹp hơn".

Kon Plong (Kon Tum) với các cộng đồng dân tộc thiểu số nghèo như Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong và H’Re. Người dân ở khu vực này có tỷ lệ tử vong cao nhất và tuổi thọ thấp nhất trong khu vực – thường gây ra bởi các nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Trong đó tỷ lệ tử vọng ở trẻ sơ sinh cao do việc sinh con tại nhà mà không có người hộ sinh.

Niềm vui của người dân khi được sử dụng nước sạch, tặng đồ dùng và được khám bệnh kịp thời

Ghi nhận 4 ngày đầu tiên (ngày 12/9 - 15/9), nhiều ngàn người đã được khám chữa bệnh. Riêng 2 ngày đầu, dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 4, mưa lớn triền miên nhưng người dân vẫn tới các điểm khám đặt tại trạm y tế xã và Ủy ban Nhân dân Huyện.

Đội tình nguyện gồm 20 bác sĩ đến từ nhiều quốc gia gồm 30 y tá, 70 nhân viên hỗ trợ khám bệnh, tiêm phòng thuộc phòng khám Quốc tế Family Medical Practice Việt Nam. Đội tình nguyện sẽ cấp phát thuốc miễn phí và hướng dẫn việc thực hành vệ sinh cơ bản cho hơn 3.500 hộ gia đình đang sinh sống tại 9 xã thuộc Kon Plong.

Tại xã Hiếu (Huyện Kon Plong), bà Yamia (72 tuổi) cho biết, bà bị ho kéo dài suốt 1 năm nay, đau bụng và hơn 1 tháng gần đây đã đi ngoài ra máu. Tuy nhiên, do từ nhà đi tới trạm y tế để khám phải mất 2 km đi bộ và không có thói quen đi khám bệnh nên cả nhà vận động bà cũng không đi khám. Mấy hôm nay, thấy quá mệt và thấy con gái bà ở cùng nhà cũng có dấu hiệu bệnh giống như bà nên được thông báo hôm nay có đoàn bác sĩ tới khám và được nhận gạo, muối về nhà, bà mới cùng con gái tới khám bệnh.

Bác sĩ khám cho bà Yamia cho biết, bà có dấu hiệu của nhiễm lao nặng và cần tiếp tục kiểm tra sức khỏe. Đáng ngại là con gái bà có thể đã bị lây bệnh từ bà. Nếu không chữa bệnh kịp thời, bệnh của bà sẽ khó chữa và có thể tử vong. Bác sĩ đã tư vấn gia đình bà cần phải đưa tất cả mọi người đi kiểm tra sức khỏe vì sợ rằng có thể lây cho nhiều người nhất là trong nhà có trẻ nhỏ.

Tại xã Măng Cành – Kon Plông, chị Yen bế con tới khám bởi con chị mới 5 tháng tuổi nhưng suốt 4 ngày nay, cháu đi ngoài quá nhiều lần. Cháu mệt mà chị không biết chữa cho con bằng cách gì. Nghe trưởng bản nói có đoàn tới khám bệnh, chị đã đưa con khám từ sáng sớm.

Với Chị Tre (xã Hiếu – Kon Plong) mỗi ngày, nhà chị cắt cử 1 người đi bộ 2 lần sáng và chiều, mỗi lần đi khoảng 1 km mới tới được con suốt để gùi nước về. Khi thôn chị được Đại sứ quán Israen trao tặng 1 giếng nước sạch, cả thôn vui lắm vì từ nay sẽ không phải đi xa nữa. Giếng nước được đặt ngay trước sân nhà chị.

Tâm huyết đưa lại những nụ cười cho người dân Kon Plong

Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam cho biết, trong đợt này, Đoàn Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam và phòng khám Quốc tế Family Medical Practice Việt Nam trao tặng 2 giếng nước giúp bà con được dùng nước sạch. Đồng thời sẽ sơn sửa trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Măng Bút , huyện Kon Plong.

Bên cạnh đó, Đoàn trao phần quà cho 3.500 hộ dân thuộc 9 xã Kon Plong. Mỗi hộ được nhận 10 kg gạo, muối, đường, quần áo… Đoàn cũng  sơn lại cửa trường học, tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho các em học sinh trường Tiểu học và Trung học cơ sở Măng Bút.

Được biết, bà Đại sứ Meirav Eilon Shahar là một trong những người có thời gian làm việc lâu năm, gắn bó với Việt Nam. Năm nay là năm thứ 5 bà làm việc tại đây.

Bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ: “Đại sứ quán Israel tại Việt Nam luôn luôn lắng nghe những nhu cầu của người dân Việt Nam, bởi vậy, chúng tôi muốn được chung tay với Phòng khám Quốc tế Family Medical Practice Vietnam hỗ trợ người dân huyện Kon Plông y tế, nước sạch và giáo dục. Việt Nam.

“Israel đang có sự hợp tác chặt chẽ từ phía chính phủ và nhân dân hai nước, và chương trình này là một phần trong chuỗi các hoạt động vì cộng đồng của Đại sứ quán tại Việt Nam" – bà Đại sứ chia sẻ.

Bác sĩ Rafi Kot, Tổng Giám đốc Phòng khám Quốc tế Family Medical Practice Việt Nam đã từng ở và làm việc tại đây hơn 20 năm qua. Ông hiểu rõ về điều kiện và con người Việt Nam nhất là những người dân ở Kon Plong.

“Người dân Kon Plong phải di chuyển hơn 50 km mới tới được cơ sở y tế gần nhất. Vì thế  dân cư Kon Plong hầu như không thể tiếp cận bất cứ dịch vụ chăm sóc y tế nào. Với sự trăn trở này, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi trong một tuần cùng đội ngũ y bác sĩ nhằm giúp giải quyết nhu cầu cấp bách của một cộng đồng bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam” – Bác sĩ Rafi Kot nói.

Bác sĩ Rafi Kot cho biết, đoàn đã tiến hành trao tặng Trung tâm Y tế Huyện Kon Plong một máy siêu âm 4D và làm việc với chuyên viên y tế địa phương để trao đổi kinh nghiệm và giúp hướng dẫn họ về những vấn đề y tế cộng đồng.

Đáp lại những tình cảm này, BS Đặng Văn Điền - Giám đốc Trung tâm Y tế Huyện Kon Plong cho biết, đây là máy siêu âm 4 D duy nhất mà trung tâm được nhận. Hiện, Trung tâm chỉ có 2 máy siêu âm 2D. Máy siêu âm 4D sẽ giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ tại Trung tâm y tế trong việc chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân.

Bác sĩ Rafi Kot cho hay, qua thăm khám thấy rằng, phần lớn người dân mắc các bệnh mãn tính về cơ, xương, khớp, bệnh về tiêu hóa (đau dạ dày, đi ngoài)… bởi điều kiện vật chất không đảm bảo, lao động nhiều.

Theo Bác sĩ Rafi Kot, nếu đợt khám bệnh này phát hiện những ca bệnh nặng, cần phẫu thuật, phòng khám Family Medical Practice Vietnam sẽ tiếp tục điều trị miễn phí cho người dân bằng cách đưa chuyển về trụ sở của phòng khám tại TP HCM.

Với các bác sĩ Jonathan, người đã tham gia khám bệnh từ thiện cho đồng bào dân tộc vùng xa lần này là lần thứ 3 cho biết ông rất vui vì đã làm những điều ý nghĩa giúp bà con. Điều khó khăn duy nhất khi khám chữa bệnh là do bất đồng ngôn ngữ. Nhiều người dân không nói được sõi tiếng Kinh nên cần phải qua 2 lần phiên dịch. Một người phiên dịch ra tiếng kinh và sau đó, một tình nguyện viên sẽ phiên dịch từ tiếng Kinh sang tiếng Anh cho bác sĩ. “Tuy nhiên, những vấn đề này đã giải quyết tốt bởi các tình nguyện viên rất nhiệt tình” – bác sĩ Jonatime nói.

Thanh Loan

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi