Ngày 8/10, Cục Y tế dự phòng đã có thông tin chính thức về 2 trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam, trong đó có một trường hợp sống tại Bình Dương. Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp này, ngành y tế Bình Dương đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn…
Thêm 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, báo cáo từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 2 trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam. Trường hợp thứ nhất là phụ nữ 27 tuổi, sống tại TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng như phát ban, sốt 380C kèm đau cơ, xung huyết kết mạc. Sau đó, bệnh nhân tới khám ở bệnh viện, nghi ngờ nhiễm vi rút Zika và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika. Bệnh nhân này hiện đang mang thai, trước đó không có tiền sử đi du lịch hoặc tiếp xúc với người bệnh. Trường hợp thứ hai cũng là bệnh nhân nữ, 28 tuổi, sống tại quận 9, TP.Hồ Chí Minh. Bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng như phát ban, kèm theo sốt, đau cơ, đau khớp. Bệnh nhân tới khám tại bệnh viện và được lấy mẫu chẩn đoán Zika. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika. Trường hợp này cũng không có tiền sử đi du lịch, khu vực bệnh nhân sinh sống không có ai có biểu hiện như bệnh nhân.
Ngay sau khi Hệ thống giám sát ghi nhận 2 trường hợp kể trên, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương triển khai điều tra ca bệnh và giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi ngờ nơi bệnh nhân sinh sống và tại cộng đồng. Trước đó, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành xử lý véc-tơ bằng phun hóa chất và diệt lăng quăng xung quanh hộ gia đình bệnh nhân theo quy trình. Trường hợp bệnh nhân đang mang thai tại Bình Dương cũng đã được tư vấn, giải thích để bệnh nhân yên tâm và tiếp tục có các theo dõi về chuyên môn trong quá trình thai nghén. Hiện tại sức khỏe của 2 trường hợp này đều ổn định.
Triển khai ngay các biện pháp phòng chống
Trao đổi nhanh với chúng tôi qua điện thoại, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, Bình Dương đã phát hiện một trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại TX.Thuận An. Ông Hà cho biết: “Trước đó, ngày 7-10, chúng tôi đã nhận được thông tin về trường hợp này qua điện thoại và đã vào cuộc triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, ngành đã triển khai điều tra côn trùng (muỗi), điều tra ca bệnh tất cả những người ở xung quanh khu vực nơi có dịch xảy ra (với bán kính 200m tính từ nhà người nhiễm vi rút), tổng cộng khoảng 300 người. Qua đó, bộ phận chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu máu đối với một số trường hợp có biểu hiện sốt gửi Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xét nghiệm. Song song đó, ngành cũng đã tiến hành phun hóa chất chống dịch (diệt muỗi) tại khu vực có trường hợp nhiễm vi rút Zika. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức giám sát và chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch truyền thông cho các đối tượng ở khu vực xảy ra dịch; trong đó đặc biệt chú trọng đối tượng phụ nữ đang mang thai”.
Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành của vi rút Zika. Trong thời gian tới, hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện thêm những trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo: Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị; người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch, nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn; phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện vi rút Zika. Cuối cùng, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (lăng quăng) để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
“Ngày 8-10, ngay sau khi có thông tin chính thức về ca bệnh tại TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch ngành y tế của tỉnh đã có họp khẩn với các viện, bệnh viện đầu ngành như Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh để triển khai các biện pháp tiếp theo. “Cụ thể thông tin như thế nào vào ngày hôm nay (10-10), Sở Y tế sẽ có công bố về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm”.
(Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương)
Ngọc Mai