Với trên 11.000 trạm y tế (TYT) xã - phường, hơn 660 bệnh viện (BV), trung tâm y tế huyện và khoảng 350 phòng khám đa khoa khu vực, nhưng y tế cơ sở dù được xem là “người gác cổng” vẫn chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng TYT xã - phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, với mục tiêu kéo người dân ở lại với tuyến y tế cơ sở này.
Cảm cúm cũng… vượt tuyến
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang quản lý 26 TYT, 5 phòng khám đa khoa với khoảng 200.000 người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT.
Dù cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 30km nhưng phần lớn TYT ở Sóc Sơn đang rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa, cơ sở vật chất xuống cấp nên không ít người dân địa phương mỗi khi đau ốm, dù chỉ là cảm cúm, ho sốt thông thường cũng lên BV huyện khám chữa bệnh. Hoặc để yên tâm hơn, nhiều người còn lặn lội đến các BV lớn như BV Xanh Pôn hay BV Thanh Nhàn...
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, hiện nay cùng với việc khám chữa bệnh ban đầu cho người dân, tiêm chủng mở rộng và một số chương trình mục tiêu y tế khác thì các TYT trên địa bàn đang quản lý hơn 39.000 bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm.
Do vậy, khi địa phương đẩy mạnh quản lý điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm, mãn tính... thì không đủ quỹ cho khám chữa bệnh BHYT (theo quy định hiện nay, tổng chi phí khám chữa bệnh tại TYT xã không vượt quá 20% của quỹ khám chữa bệnh ngoại trú trên số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại địa phương), khiến nhiều người bệnh phải vượt lên tuyến trên.
Khó khăn ở Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cũng là thực tế chung ở phần lớn TYT xã - phường trên cả nước. Người dân địa phương vì thế chưa thực sự mặn mà và tin tưởng vào y tế cơ sở. Không ít người bệnh thẳng thắn cho biết thường xuyên vượt tuyến vì lo ngại chất lượng khám chữa bệnh.
Theo đánh giá mới nhất của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 60% số TYT đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã và trên 87% TYT có bác sĩ làm việc. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều TYT nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu bác sĩ có chuyên môn sâu.
Cùng với đó, số lượng và chất lượng dịch vụ còn khiêm tốn, danh mục thuốc hạn chế khi TYT xã - phường mới chỉ thực hiện được 50% - 70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản.
Hút người bệnh bằng y học gia đình
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên BV trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới.
Tuy nhiên, trước những hạn chế và bất cập của y tế cơ sở, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với TYT xã - phường.
Đây cũng là phương cách giúp giảm tải cho BV tuyến trên. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn.
Bộ Y tế bước đầu đã khảo sát, lựa chọn 26 xã - phường/thị trấn thuộc 8 tỉnh - thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Các TYT xã - phường này được cải tạo, nâng cấp khang trang sạch sẽ, đồng thời được trang bị đồng bộ trang thiết bị từ giường tủ, quầy thuốc, đến hệ thống máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang.
Đặc biệt, với các trạm chưa có bác sĩ sẽ cử bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc, điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm.
Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn từ BV tuyến trung ương về hỗ trợ các TYT nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tỉnh - thành phố giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các TYT điểm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm tại 26 TYT điểm. Đối với các tỉnh - thành phố khác sẽ tiếp tục rà soát phân loại các TYT để xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) hoàn thành việc đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực để đưa các TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Qua khảo sát của Bộ Y tế, có tới 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; có tới 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các BV tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã.
Hoàng Phong